Cần nhanh chóng cân đối tín dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư

Thứ sáu, 22/07/2011 16:00

                     Ảnh minh hoạ (nguồn taichinh.saga.vn)
(ĐCSVN) - Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần nhanh chóng cân đối tín dụng. Tính hiệu quả về đầu tư cần phải được xem xét trên toàn bộ nền kinh tế; cần có sự phân bổ hợp lý giữa khối doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước phải giảm bớt đầu tư ra ngoài ngành và những lĩnh vực mà trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Về mặt tín dụng đầu tư, nền kinh tế cần phải chuyển cơ cấu tín dụng từ phi sản xuất sang sản xuất.

Nhận xét về vấn đề vốn tín dụng, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, năm 2011, Việt Nam cố gắng giảm mức tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%. Tuy nhiên, điều quan trọng phải là mức phân bổ - nghĩa là tăng tín dụng vào đâu và giảm ở khu vực nào. Cũng theo bà Phạm Chi Lan, điều quan trọng nhất là làm sao giảm mức tín dụng của nhiều và quá lớn ở các doanh nghiệp nhà nước và các dự án liên quan đến đầu tư công. Nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa – khu vực tạo công ăn việc làm lớn nhất cho toàn xã hội, hoặc của khu vực nông nghiệp, gắn với cuộc sống của hơn 50% dân số Việt Nam, sống dựa vào nông nghiệp còn rất lớn. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp hoặc để phát triển nông thôn và đời sống nông dân nói chung vẫn rất cần tín dụng” – Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Cũng có thể nói, bên cạnh tiêu chí về cân đối tín dụng để nhằm đạt hiệu quả đầu tư, các ngành công nghiệp hỗ trợ cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các mặt hàng nhập khẩu. Mặc dù công nghiệp hỗ trợ gồm các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản xuất sản phẩm tiêu dùng, nhưng hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như: điện tử, dệt may, da giày,… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm. Vì vậy, những ngành công nghiệp này tuy có nhiều kết quả sản xuất khả quan, nhưng vẫn nhỏ lẻ và manh mún. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương cho rằng, việc xây dựng và ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là hết sức cần thiết, nhằm tập trung ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quan trọng, tránh ưu đãi tràn lan gây lãng phí./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực