Cần nhanh chóng ổn định thị trường chứng khoán, tạo kênh huy động vốn phục vụ nền kinh tế

Thứ tư, 10/08/2011 23:20

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

(ĐCSVN) - Thị trường chứng khoán (TTCK) đang diễn biến không mấy sáng sủa. Để ổn định TTCK, nhằm tạo nên sự phát triển nhanh chóng, góp phần huy động vốn cho nền kinh tế đang là một trong những việc làm cấp bách hiện nay.

Hầu hết những công ty chứng khoán đều chung nhận định rằng, khả năng đi lên của thị trường là rất khó. Nhiều khả năng thị trường tiếp tục đi xuống, tìm ngưỡng hỗ trợ mới. Các chuyên gia kinh tế đang tích cực phân tích và tìm những giải pháp cấp bách cũng như lầu dài để có thể phục hồi cũng như ổn định TTCK.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho nhà đầu tư là giải pháp quan trọng nhất vì TTCK là thị trường kỳ vọng vào tương lai. Do đó, kiểm soát lam phát, hạn chế thâm hụt ngân sách, hạn chế nhập siêu và ổn định giá trị của đồng Việt Nam là những ưu tiên trước mắt mà thị trường đòi hỏi. Thiếu vắng niềm tin ở tương lai kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển ngành hay doanh nghiệp thì không những nhà đầu tư tổ chức mà nhà đầu tư cá nhân cũng không xác định đầu tư dài hạn vào TTCK. Khi không xác định được tương lai thì trào lưu đầu tư ngắn hạn theo kiểu "lướt sóng" là không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, việc giữ nguyên tỷ lệ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ tín dụng và tạm dừng chương trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước khỏi thị trường chứng khoán cũng là một giải pháp tránh đẩy thị trường đi xuống. Nếu luồng tiền của nhà đầu tư tổ chức cũ phần lớn bị rút khỏi thị trường thì cho dù mặt bằng giá cổ phiếu có trở nên hấp dẫn thì thị trường cũng khó tăng trưởng bền vững trở lại nếu chỉ trông mong vào luồng tiền của nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư mới. Mối lo ngại từ cuối năm 2010 rằng bong bóng chứng khoán sẽ xảy ra trong năm 2011 càng trở nên không có cơ sở khi thị trường vẫn trong chiều hướng đi xuống từ đầu năm.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước như Mobifone, Vinaphone, Viettel... để tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng cao nhằm thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cũng như giảm thiểu hoặc bán hết cổ phần của nhà nước tại các doanh nghiệp không thiết yếu.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, cùng với những hành động này, cơ quan quản lý cần tập trung nỗ lực để hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng TTCK. Cần nghiêm trị thích đáng các hành vi trục lợi để đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh của thị trường. Ngoài ra, cũng cần có các chế tài xử phạt mạnh giúp đảm bảo minh bạch thông tin và doanh nghiệp có những sai lệch vi phạm liên tục phải bị xử phạt nặng. Kế toán trưởng của doanh nghiệp lập báo cáo tài chính sai sót vượt quá một số lần cụ thể phải bị thu hồi có thời hạn giấy phép hành nghề.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội lại cho rằng, thị trường vốn của chứng khoán Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng, mà các doanh nghiệp tham gia vào thị trường chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khi "sức khỏe" công ty không tốt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thị trường. Vì vậy, để thị trường có thể phát triển ổn định hơn chúng ta cần nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn chứng khoán như nâng cao chất lượng quản trị công ty hay nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Cùng với đó là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để có thể đảm bảo thị trường hiệu quả, công bằng, minh bạch.

Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng bày tỏ, trong bối cảnh hiện tại Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện một các quyết liệt và sát sao Nghị định 11 về kìm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, đối với chính sách tài khóa cần tiếp tục và kiên trì thực hiện chủ trương hạn chế đầu tư, kiên quyết cắt giảm và ngừng các dự án không hiệu quả và chưa thực sự cần thiết, cắt giảm chi tiêu thường xuyên để giảm bội chi ngân sách, giảm bớt áp lực lạm phát và tăng lãi suất. Nếu chúng ta kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết 11 thì các vấn đề kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện và thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội phát triển bền vững. Chính sách tiền tệ cần có sự điều hóa linh hoạt theo tín hiệu thị trường, một mặt vẫn theo hướng chặt chẽ, thận trọng nhưng cũng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo NGND, PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng, để TTCK ổn định, hiệu quả, về giải pháp ngắn hạn đối với UBCK Nhà nước đó là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về chứng khoán . Pháp luật cần quy định chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo doanh nghiệp thực hiện chào bán chứng khoán tăng trưởng theo đúng mục đích. Thực tế, có một số doanh nghiệp lợi dụng thị trường tăng điểm để phát hành lượng chứng khoán lớn, sử dụng nguồn vốn thu được để đầu tư tài chính trong khi UBCK lại chưa có một công cụ hữu hiệu nào được pháp luật cho phép để ngăn chặn hay điều tiết... Cần tăng cường tính độc lập cho cơ quan thanh tra giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao thầm quyền cho UBCK. Theo đó, UBCK có quyền chất vấn, điều tra, tìm kiếm chứng cứ, thu giữ tài liệu của những đối tượng bị nghi ngờ có hành vi lạm dụng thị trường...

Đối với các công ty chứng khoán, ông Hưng cũng cho rằng UBCK cần nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, tuân thủ quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán, quản lý người hành nghề kinh doanh chứng khoán, thực hiện nghiêm quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán chứng khoán.

Đại đa số các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế đều mong muốn thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng, phát triển với độ bền vững cao, tạo được niềm tin ổn định cho nhà đầu tư và hướng đến mục tiêu thật sự trở thành một kênh huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cho xã hội nói chung. Tuy nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực của các ban ngành chức năng đối với TTCK.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực