Cần nhìn nhận lại tín dụng bất động sản

Thứ ba, 23/08/2011 17:16

Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tín dụng bất động sản chiếm một tỷ trọng rất lớn trong hoạt động ngân hàng nói chung. Dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản, kể cả dùng để thế chấp và cho vay trực tiếp có thể chiếm tới 40 - 50% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 6/2011, dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng là khoảng 245.000 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 6% so với thời điểm 31/12/2010, tương đương 10% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng bất động sản giảm là do hệ thống ngân hàng siết chặt cho vay theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thực thực hiện giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, đến 30/6, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực này so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến thời điểm 31/12/2011, tỷ trọng này phải kéo về mức 16%. Tuy nhiên, trong nền kinh tế Việt Nam, khi hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu thì việc thắt chặt cho vay bất động sản rõ ràng đã "giáng" một đòn mạnh vào thị trường này.

"Tôi hoàn toàn phản đối khái niệm tín dụng sản xuất và phi sản xuất. Phải hiểu một cách tổng quát là nếu không có tiêu dùng thì không thể nào sản xuất được. Do vậy, không nên dùng những khái niệm như vậy", ông Nghĩa nói.

Củng cố thêm cho luận điểm này, ông Nghĩa phân tích, trên thực tế, tín dụng bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản của các NHTM. Quản lý tín dụng, đặc biệt là chính sách tiền tệ, cần phải nhìn vào những khái niệm có tính đặc trưng hơn, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản hơn là đưa ra những khái niệm mơ hồ, không chuyên nghiệp như khái niệm tín dụng phi sản xuất. Ông Nghĩa cũng cho biết, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đang đề nghị NHNN từ nay trở đi sẽ đưa ra khái niệm tỷ trọng cho vay đối với bất động sản.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông nêu quan điểm, kinh doanh bất động sản không phải là sản xuất, nhưng có nhiều bộ phận liên quan lại là sản xuất. Việc định hướng tín dụng vào sản xuất là đúng, nhưng chỉ nên trong một giai đoạn nhất định, bởi thị trường bất động sản cũng là một thực thể, là một thành phần kinh tế không thể thiếu. Do vậy, NHNN nên phân định cho đúng, "nới" quy định để quy định phù hợp với thực tiễn cuộc sống và điều tiết vấn đề tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Đồng quan điểm trên, ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bảo Việt nhận định, bất động sản công nghiệp là xây dựng hạ tầng cơ sở cho khu công nghiệp không thể coi là phi sản xuất, nhưng bất động sản là các dự án xây dựng nhà ở, chung cư thì rõ ràng đó là phi sản xuất. "Đánh đồng toàn bộ thị trường bất động sản là phi sản xuất là không công bằng. Phân loại một cách cụ thể là việc cần thiết, không nên đưa ra những khái niệm chung chung", ông Vũ nói.

Trong một tương quan khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng chia sẻ thêm thông tin, tại Mỹ có khoảng 18 ngành nằm trong danh mục phi sản xuất, trong đó có bất động sản. Còn ở Úc, bất động sản được chia ra làm 3 phân khúc khác nhau: thứ nhất, khách sạn, nhà hàng, khu giải trí; thứ hai, khu công nghiệp, khu chế xuất; thứ ba, người dân xây nhà, mua nhà, sửa nhà, mua đất. Hệ số rủi ro tín dụng ở hai phân khúc đầu được tính 150% và phân khúc còn lại là 100%. "Đặt bất động sản là khu vực sản xuất hay phi sản xuất không quan trọng. Vấn đề chính cần làm là phải phân khúc chi tiết thị trường này để tránh rủi ro", ông Lực nhấn mạnh.

Trong cuộc trao đổi mới đây với ĐTCK, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng: "Nếu nói bất động sản là phi sản xuất cũng không hoàn toàn đúng. Vì trong bất động sản cũng phải chia ra rất nhiều khâu, trong đó không thiếu những khâu thực sự là sản xuất. Thị trường bất động sản nói chung trong tất cả các nền kinh tế đều chiếm một tỷ trọng rất lớn và là một động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Do vậy, đối với thị trường bất động sản, cần có những phân định rõ hơn để thấy những khu vực không khuyến khích nhưng cũng có những điểm nên để hoạt động bình thường. Đó là hướng NHNN sẽ điều chỉnh trong thời gian tới"./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực