Cần thận trọng trước biến động của giá vàng

Thứ tư, 10/08/2011 10:27

(ĐCSVN) - Từ đầu năm tới nay, vàng đã tăng giá hơn 20%. Tính từ đầu tháng 7, kim loại quý này đắt thêm 13%. Trong 19 phiên giao dịch vừa qua, vàng có 11 phiên lập kỷ lục. Chuỗi tăng giá của kim loại quý này dường như chưa có dấu hiệu dừng lại khi mối quan ngại về nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ cũng như khu vực EU vẫn đang lớn dần.

 

Giá vàng đang leo thang hàng ngày. 
Ảnh minh họa: Thùy Linh

Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, chưa khi nào thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng như thời điểm hiện nay. Cùng lúc, giới đầu tư phải đương đầu với hai đám mây đen khổng lồ che phủ thị trường, một là nguy cơ suy giảm tăng trưởng toàn cầu, hai là những rắc rối về nợ công của các nền kinh tế đầu tàu Mỹ và châu Âu.

Sự suy giảm tài chính toàn cầu đã làm giá vàng tăng đột biến. Cụ thể, so với tháng 12/2000, giá vàng tháng 12/2010 đã cao gấp 7,3 lần, vượt rất xa so với các con số tương ứng của giá tiêu dùng (gấp 2,2 lần), của giá USD (gấp 1,4 lần), của VN - Index (2,35 lần), của giá bất động sản (khoảng 7 lần), của lãi suất tiết kiệm (khoảng 2 lần).

Tại Việt Nam, bước sang năm 2011, giá vàng trong những tháng đầu năm cơ bản ổn định (tháng 1 giảm 0,5%; tháng 2 giảm 0,35%; tháng 3 tăng 5%, do tỷ giá tăng mạnh, nhất là trên thị trường tự do, do lạm phát cao; tháng 4 giảm 1,2%; tháng 5 tăng 1,43%; tháng 6 tăng 0,36%; tháng 7 tăng 0,87% - tính chung 7 tháng tăng 6,1%, chủ yếu do tháng 3 tăng cao). Sự ổn định của giá vàng chủ yếu do thị trường ngoại tệ ổn định (trong 7 tháng có 5 tháng giảm, chỉ có 2 tháng tăng, trong đó tháng 3 do điều chỉnh tỷ giá chính thức đã tăng tới 3,06% - tính chung 7 tháng chỉ tăng 0,06%).

Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 7, giá vàng trong nước đã tăng nhanh, liên tục lập đỉnh mới. Ngày 30/7/2011, giá vàng trong nước đã vượt mốc 40 triệu đồng/lượng, do giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới. Đến ngày 1/8/2011, giá vàng đã giảm xuống còn 39,84 triệu đồng/lượng, do giá vàng thế giới điều chỉnh về mức 1.607,45 USD/ounce sau khi Mỹ đã thông qua thành công dự luật về nâng trần nợ và quốc gia này đã tránh được nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử trước thời hạn vỡ nợ vào ngày 2/8. Tuy nhiên, các tổ chức này cũng cảnh báo, tình trạng kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại. Việc nâng trần nợ công sẽ tác động đến yếu tố lạm phát và đây chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng tăng mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, có rất nhiều thông tin hỗ trợ cho giá vàng. Đơn cử Hàn Quốc mới đây đã mua vào đến 25 tấn vàng, Quỹ SPDR cũng tăng mua đến 1,4% trong thời gian qua. Đặc biệt, Trung Quốc có kế hoạch tăng dự trữ vàng gấp 8 lần, tức lên 8.000 tấn so với mức hiện nay. Những yếu tố trên cũng là lực đẩy cho vàng tiếp tục lan tỏa sức nóng.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế của khu vực EU vẫn chưa sáng sủa, ngược lại có thêm nguy cơ Italia lún sâu vào khủng hoảng, nên giá vàng còn nhiều yếu tố hỗ trợ. Giá vàng giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 9/8 tiếp tục xoay quanh ngưỡng 1.761,7 USD/oz, cao nhất từ trước đến nay và theo nhận định từ giới kinh doanh vàng trong nước, trước mắt mặt hàng kim loại này sẽ chưa giảm giá. Dự báo, giá vàng có thể lên 1.800-2.000 USD/oz trong vòng 12 tháng tới.

Theo giới phân tích, việc nâng trần nợ công của Mỹ là điều nằm trong dự đoán của các nhà đầu cơ và giới đầu tư vàng trên thế giới. Tuy nhiên, một khi trần nợ công được nâng lên thì điều dễ nhận thấy là nền kinh tế Mỹ đang lộ rõ sự suy yếu. Vì thế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rất có thể sẽ phải đưa ra gói cứu trợ thứ 3 (QE3). Điều này có nghĩa là, nỗ lực từ lời hứa hẹn phục hồi trong gói QE2 đã không thực hiện được, sự hoài nghi nối tiếp gói hỗ trợ thứ 3 tăng lên và nếu QE3 được sử dụng thì giá vàng sẽ tạo được sức bật tăng mạnh mẽ hơn. Việc Mỹ nâng trần nợ công cũng như có thể đưa ra thêm gói cứu trợ sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Điều này sẽ tác động tích cực lên thị trường vàng và nhà đầu tư vẫn tìm đến vàng, vì mặt hàng kim loại quý này được xem là kênh trú ẩn an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay, kéo giá vàng theo chiều hướng tiếp tục đi lên.

Tại Việt Nam, giá vàng cũng liên tục lập đỉnh mới với mức trên 46 triệu đồng/lượng trong chiều ngày 9/8 (thương hiệu SJC). Thị trường bắt đầu xuất hiện lực mua, mặc dù giá vàng đang ở diện cao nhất từ trước đến nay.

Giao dịch của khách hàng trong những ngày vàng cao giá cũng trầm lắng hơn trước. Sở dĩ xuất hiện hiện tượng này là do những người nắm giữ vàng, nhất là các nhà đầu tư đã nhanh chóng chốt lời trong những đợt vàng tăng giá trước đây hiện vẫn khá dè dặt trong quyết định mua vào vì họ tỏ ra thận trọng trước xu hướng vàng đang khá nóng. Vì không ít người trong thời gian qua có xu hướng "đánh xuống", trong khi đó, giá vàng tiếp tục đi lên trước áp lực lạm phát của Mỹ có nguy cơ gia tăng.

Nhìn nhận tình hình chung, nhóm tư vấn tiền tệ của Ngân hàng Eximbank cho rằng, vàng chỉ xuất hiện dấu hiệu đảo chiều giảm giá trong ngắn hạn, với mức giảm tối đa tại vùng giá 1.600 USD/ounce. Còn về cơ bản, vẫn còn đầy đủ yếu tố hỗ trợ cho vàng tăng giá trở lại. Nhất là khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Ông Lê Xuân Tùng, Tổng giám đốc Công ty Phú Quý cho biết, dù giao dịch vàng miếng chưa đột biến và mãi lực mua của nhà đầu tư chưa thực sự nhiều, song những người có nhu cầu nắm giữ vàng bắt đầu mua trở lại. Trong đó, có cả người dân cũng tranh thủ mua vào những ngày qua. Ông Tùng cũng khuyến cáo, nhà đầu tư cần thận trọng trước sức nóng của vàng, đồng thời cần có một kịch bản cụ thể để đối phó với sự biến động hiện nay. Có như vậy mới có thể nhanh chóng chốt lời hoặc cắt lỗ trong giai đoạn mặt hàng kim loại quý này biến động rất mạnh và thất thường.

Trước sức nóng giá vàng hiện nay và lo ngại tình trạng vàng “chảy máu” dưới dạng xuất nữ trang như thời gian qua sẽ gia tăng áp lực về nguồn cung trên thị trường nội địa, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 11/2011/TT - BTC để hạn chế xuất khẩu vàng. Theo đó, kể từ ngày 6/8, vàng (kể cả vàng mạ bạch kim) chưa gia công, hoặc ở dạng bán thành phẩm, dạng bột có hàm lượng dưới 99,99% sẽ phải chịu thuế xuất khẩu là 10%. Vàng trang sức (đồ kim hoàn, kỹ nghệ...) có hàm lượng vàng từ 80% trở lên sẽ phải chịu thuế suất 10%, thay cho mức thuế 0% hiện nay. So với việc lâu nay chỉ có vàng trang sức hàm lượng trên 99% mới phải chịu mức thuế xuất khẩu là 10%, thì câu chuyện xuất khẩu vàng được dự báo là có nhiều khó khăn hơn.

Với diễn biến khó lường của giá vàng, để hạ nhiệt trận sốt giá vàng lịch sử đang diễn ra, Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức cho phép các đầu mối nhập khẩu 5 tấn kim loại quý này để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước. Trong thông báo đăng tải trên website của Ngân hàng Nhà nước trưa ngày 9/8, cơ quan này cho biết, việc nhập khẩu vàng lần này nhằm “bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân”.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực