Cẩn trọng trước diễn biến khó lường của giá vàng

Thứ tư, 03/08/2011 16:35

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đầu tư)

Giá vàng đã tăng liên tục trong thời gian dài, với tốc độ cao hiếm thấy, nay lại tiếp tục nóng lên theo giá vàng thế giới.

Cụ thể, so với tháng 12/2000, giá vàng tháng 12/2010 đã cao gấp 7,3 lần, vượt rất xa so với các con số tương ứng của giá tiêu dùng (gấp 2,2 lần), của giá USD (gấp 1,4 lần), của VN - Index (2,35 lần), của giá bất động sản (khoảng 7 lần), của lãi suất tiết kiệm (khoảng 2 lần).

Bước sang năm 2011, giá vàng trong những tháng đầu năm cơ bản ổn định (tháng 1 giảm 0,5%; tháng 2 giảm 0,35%; tháng 3 tăng 5%, do tỷ giá tăng mạnh, nhất là trên thị trường tự do, do lạm phát cao; tháng 4 giảm 1,2%; tháng 5 tăng 1,43%; tháng 6 tăng 0,36%; tháng 7 tăng 0,87% - tính chung 7 tháng tăng 6,1%, chủ yếu do tháng 3 tăng cao). Sự ổn định của giá vàng chủ yếu do thị trường ngoại tệ ổn định (trong 7 tháng có 5 tháng giảm, chỉ có 2 tháng tăng, trong đó tháng 3 do điều chỉnh tỷ giá chính thức đã tăng tới 3,06% - tính chung 7 tháng chỉ tăng 0,06%).

Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 7, giá vàng trong nước đã tăng nhanh, liên tục lập đỉnh mới. Ngày 30/7/2011, giá vàng trong nước đã vượt mốc 40 triệu đồng/lượng, do giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới. Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2011, giá vàng đã giảm xuống còn 39,84 triệu đồng/lượng, do giá vàng thế giới điều chỉnh về mức 1.607,45 USD/ounce sau khi Mỹ thống nhất được thoả thuận nâng trần nợ và giảm thâm hụt ngân sách trước thời hạn vỡ nợ vào ngày 2/8.

Trước diễn biến khó lường của giá vàng, các nhà hoạch định chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô cần quan tâm đến một số vấn đề sau. Một là, tiếp tục nhất quán, kiên trì mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát. Hai là, cần rà soát tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ (vẫn ở mức quá cao). Có thể khống chế cả năm tốc độ tăng không quá 20% không chỉ đối với tổng số tín dụng, mà cả đối với ngoại tệ, để tránh tác động tiêu cực khi đáo hạn. Ba là, kiềm chế mạnh hơn đối với nhập siêu; tiếp tục chống đô la hoá, vàng hoá, khai thác các nguồn trong nước để tăng cung ngoại tệ từ trong nước; cẩn trọng trong việc điều chỉnh tỷ giá… Bốn là, khuyến cáo người dân không nên lao vào găm giữ vàng, cần tranh thủ lúc giá cao để bán ra, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần tranh thủ mua vào để tăng dự trữ ngoại hối của đất nước. Hạn chế xuất khẩu vàng để tránh bán lúc giá thấp, sau đó lại mua vào lúc giá cao./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực