Chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng năm 2012 và bài học rút ra

Thứ năm, 14/02/2013 17:56

(ĐCSVN)Năm 2012, thị trường vàng thế giới có khá nhiều biến động, đã tác động không nhỏ đến thị trường vàng trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách quản lý kinh doanh vàng nhằm kiểm soát hoạt động mua bán vàng. Tuy chưa đạt hiệu quả như mong muốn, song các chính sách cũng tạo tiền đề nhằm góp phần ổn định thị trường vàng trong năm mới.

 

 Chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng năm 2012 và
 bài học rút ra (Ảnh minh họa: K.D)
 

Khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, mạng lưới mua bán vàng miếng mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) và các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép đã đạt được những kết quả bước đầu. Ðiểm thành công rõ nét nhất của công tác triển khai mạng lưới mới là mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã giảm nhiệt nhanh chóng, từ gần 5 triệu đồng/lượng về  khoảng 3 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, đã không có cơn sốt giá hoặc tình trạng khan hiếm nào xảy ra. Theo các thông tin phản ánh, phản ứng của người dân đi mua bán vàng về cơ bản ủng hộ chủ trương quản lý tập trung, bài bản các điểm giao dịch tại các đơn vị kinh doanh có uy tín và năng lực tài chính tốt. Mặc dù có số lượng điểm giao dịch ít hơn so trước đây trong giai đoạn đầu có làm giảm phần nào sự thuận tiện về thời gian và địa điểm giao dịch nhưng người dân vẫn được bảo đảm những quyền lợi và lợi ích, trong đó một mặt quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với vàng như một loại tài sản tiếp tục được tôn trọng, mặt khác người dân được tiếp cận với một thị trường có tổ chức, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, uy tín hơn, bảo đảm an toàn và quyền lợi tốt hơn cho người dân trong quá trình mua bán.

Song, nhiều ý kiến cho rằng, để Nghị định 24/2012/NĐ-CP thật sự phát huy hết hiệu quả, cần phải nhìn nhận rõ một số mặt còn bất cập...Trước tiên, cần phải hiểu rõ khái niệm "vàng hoá", bởi hiện nay việc sử dụng khái niệm “vàng hóa” là chưa đúng bản chất. Khái niệm này chỉ xuất hiện khi nào vàng trở thành phương tiện thanh toán, trong khi những năm gần đây, đặc biệt là từ khi giá vàng trên thế giới biến động tăng cao liên tục và thất thường, ở nước ta người dân chỉ mua vàng để tích trữ, như công cụ tiết kiệm. Việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát, làm tài sản tích trữ không thể được coi là “vàng hoá”. Việc NHNN đưa vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất nhằm điều tiết và ổn định thị trường, nhưng mục đích này vẫn còn nhiều tranh cãi. Bởi thực tế, người có vàng SJC phải chờ xếp hàng kiểm tra để đóng dấu, còn người không sở hữu vàng thương hiệu này phải chịu mất phí để chuyển đổi sang vàng SJC, mà mức phí này không nhỏ, tới hàng trăm nghìn đồng/lượng. Thêm vào đó, nếu bị "bắt chẹt" vàng không đủ tuổi vì là thương hiệu phi SJC, người dân cũng chỉ ngậm ngùi chịu thiệt. Khác hẳn với những lần trước khi người dân đổ xô mua vàng mà không cần biết rõ thương hiệu gì, bất chấp giá vàng trong nước tăng vụt trong khi giá vàng thế giới lại ít biến động, thì nay người ta chỉ đổ tiền vào vàng SJC. Cảnh nhiễu loạn trên thị trường vàng không chỉ diễn ra trong một vài ngày, mà xảy ra trong thời gian dài. Vàng SJC gia công không đủ bán khiến giá vàng tăng vù vù, vượt xa giá vàng thế giới tới hơn 3 triệu đồng/lượng, cũng vì thế mà thương hiệu SJC đắt hơn giá các thương hiệu vàng khác hơn 3 triệu đồng/lượng. Người mua đổ xô vào vàng SJC tạo nên sự khan hiếm giả tạo, bởi cầu nhiều nhưng cung thiếu.

Thêm vào đó, thời gian qua do kiềm chế được lạm phát, lượng ngoại tệ mua vào dự trữ nhiều hơn. Do sự khó khăn, đình trệ của nền kinh tế dẫn tới sản xuất bị đình đốn, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm mạnh, nên nhu cầu ngoại tệ giảm; ngoài ra lượng kiều hối về nước cũng khá nhiều, những điều đó đã làm cho tỷ giá không biến động, tương đối ổn định. Nếu trung bình lượng vàng nhập khẩu về Việt Nam trong giai đoạn 1990-2011 xấp xỉ 25 tấn/năm, tức chỉ tương đương 1,5-2 tỷ USD/năm - chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng nhập khẩu so với các mặt hàng khác (ô tô, xe máy, điện thoại di động, hàng tiêu dùng, xăng dầu....). Trong khi đó, vàng là hàng hoá có thể tái tạo ngoại tệ, còn các hàng hoá khác thì không. Và, mục tiêu hạ mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và trên thế giới đến nay vẫn chưa được như mong muốn khi giá vàng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới ở mức trên 3 triệu đồng/lượng.

Vì vậy, để chính sách quản lý thị trường vàng phát huy hiệu quả cao hơn trong năm 2013 và để giá vàng trong nước và thế giới liên thông, thì cần lập sàn vàng quốc gia. Sàn vàng này phải do Nhà nước đứng ra quản lý, niêm yết mã vàng như niêm yết mã chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều có thể tham gia. Như vậy, giá vàng sẽ chấm dứt sự chênh lệch, thị trường vàng cũng chấm dứt tình trạng buôn lậu, mà Nhà nước lại thu được thuế”.

Ngoài ra
, cần huy động vàng trong dân đưa vào nền kinh tế. Việc huy động vàng cũng nhằm tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối sẽ giúp NHNN có nguồn lực để chủ động và sẵn sàng điều tiết thị trường khi xảy ra những cơn sốt vàng như thời gian qua. Tuy nhiên, muốn huy động vàng phải đảm bảo được các yếu tố ổn định cả về mặt vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở cân đối được lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như người gửi vàng. Đảm bảo không có rào cản cho việc chuyển đổi giữa chứng chỉ vàng lấy vàng miếng và ngược lại.

Bên cạnh đó, cũng cần phổ biến, công bố thông tin minh bạch giúp người dân hiểu rõ và yên tâm khi gửi vàng cho ngân hàng quản lý, phát huy ưu điểm của NHNN là nơi gửi giữ vàng an toàn nhất. Tính toán hợp lý đảm bảo lãi suất có lợi cho người gửi vàng. Về lâu dài, chứng chỉ vàng có thể chứng khoán hóa, được phép giao dịch trên thị trường mở và thị trường thứ cấp. Trong đó, NHNN là cơ quan quản lý và ủy quyền cho các NHTM thực hiện huy động vàng dưới vai trò đại lý phát hành chứng chỉ. NHNN phải chiết khấu hoa hồng cho NHTM để bù đắp các chi phí kiểm định, cất giữ, vận chuyển…Trong từng thời điểm, NHNN trực tiếp nhập vàng để bình ổn giá, đáp ứng các yêu cầu sử dụng và sau khi đã kiểm soát được các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản thay cho thị trường vàng vật chất.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực