Để lĩnh vực tài chính tác động tích cực đến quá trình phát triển bền vững

Thứ hai, 23/12/2013 15:45

(ĐCSVN) – Theo Ban Kinh tế Trung ương, sau gần 30 năm “Đổi mới” (năm 1986 đến nay), hệ thống cơ chế, chính sách tài chính của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các điều kiện cụ thể của đất nước, từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Các cân đối kinh tế - tài chính vĩ mô được duy trì ổn định. Việc động viên, phân bổ các nguồn lực tài chính tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Quy mô thu, chi ngân sách nhà nước dần được mở rộng, dự trữ nhà nước được tăng cường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

 

 Việc phân bổ các nguồn lực tài chính có những chuyển biến tích cực
 (Ảnh minh họa: P.H)

Đặc biệt, cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ đã được đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, công khai trên nhiều phương diện. Tiềm lực và sức mạnh của nền tài chính quốc gia ngày càng vững chắc hơn nhờ những quyết sách về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cùng với đó, mức sống và chất lượng cuộc sống của đại đa số nhân dân ngày một nâng cao; nghèo đói từng bước được đẩy lùi; đời sống nông thôn và đô thị được cải thiện; hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng phát triển.

Những nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo "Tác động của lĩnh vực tài chính đối với phát triển bền vững" mới đây khi phân tích, đánh giá về nền tài chính Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Một số tồn tại trong lĩnh vực tài chính

Phân tích về kết quả cũng như tồn tại của lĩnh vực tài chính thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, nền tài chính quốc gia cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập như: Chính sách tài chính trong một số lĩnh vực còn chậm được ban hành và triển khai một cách đồng bộ; cơ chế huy động các nguồn lực còn có một số điểm nghẽn; cơ chế phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia thiên về phát triển chiều rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công triển khai chưa quyết liệt; việc thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực diễn ra còn chậm; hệ thống thanh tra, giám sát tài chính tuy có bước tiến bộ nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; cải cách hành chính, bộ máy quản lý tài chính trong một số khâu còn thiếu đột phá; xuất hiện thêm rủi ro tác động đến an toàn cho hệ thống tài chính - ngân hàng và an ninh tài chính của Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế …

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ, các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính nhằm tạo khả năng chống đỡ được những cú sốc từ bên ngoài để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2020 được Thủ Tướng phê duyệt theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/04/2012 cũng đã đặt mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng hiệu quả, công bằng các nguồn lực tài chính trong xã hội; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Ban Kinh tế Trung ương, để phát huy vai trò, hiệu quả và tác động tích cực của lĩnh vực tài chính tới quá trình phát triển bền vững đất nước nói chung, cần triển khai đồng bộ 09 giải pháp: Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế; Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Đáng lưu ý, cần phải thực hiện phát triển đồng bộ và vững chắc thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thị trường vốn là một kênh rất quan trọng để huy động mọi nguồn vốn của xã hội cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn phải được dịch chuyển vào những nơi hoạt động có hiệu quả, nhất là khu vực kinh tế “thực”, kinh tế “xanh”, theo sự dẫn dắt của những tín hiệu tốt trên thị trường, không bị biến dạng do các quyết định hành chính, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế theo ngành, vùng, doanh nhân, sản phẩm và công nghệ. Việc phát triển và quản lý thị trường tiền tệ, tăng cường sự phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa với mục tiêu là góp phần chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi nhịp độ tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính, bao gồm: Thị trường tiền tệ, thị trường tín dụng - ngân hàng, thị trường chứng khoán (thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu); đảm bảo sự phát triển “cân bằng” và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, cũng cần đảm bảo cho thị trường tài chính vận hành ổn định, công khai và minh bạch theo những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường đầy đủ, được giám sát, đánh giá theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Cần phòng tránh và giảm thiểu rủi ro của thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trước những biến động xấu của thị trường tài chính toàn cầu. Đồng thời, phát triển mạnh thị trường chứng khoán và đổi mới hoạt động của những ngành nghề có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để thị trường chứng khoán trở thành kênh rất quan trọng và có ý nghĩa chiến lược trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp, nhất là nợ của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Kiên quyết xóa bỏ tình trạng “đô-la hóa”, “vàng hóa”, “tiền mặt hóa” nền kinh tế và thị trường ngầm về một số ngoại tệ mạnh khác; giảm thiểu những tác động tiêu cực từ sở hữu chéo trong hệ thống tài chính, ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng giảm số lượng, hình thành một số lượng hợp lý các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính có quy mô lớn; có mô hình tổ chức và chế độ quản trị hiện đại, hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao; đảm bảo tính “cân bằng” giữa hoạt động tín dụng và các dịch vụ khác; từng bước nâng cao tỷ lệ các dịch vụ giá trị gia tăng; phân định và kiểm soát chặt chẽ tín dụng thương mại và hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại.

Điều quan trọng là phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hệ thống tài chính - ngân hàng thông qua các cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập (thanh tra, kiểm toán), sự giám sát của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng như của chính các tổ chức tài chính, tín dụng bằng các công cụ kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện môi trường pháp lý, chính sách để các định chế tài chính tôn trọng kỷ luật và kỷ cương, hoạt động an toàn và hiệu quả.

Rõ ràng, trong bối cảnh và xu hướng phát triển hiện nay, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững, bởi đây là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việc duy trì hiệu quả nền tài chính cũng là một trong những cách thức hiệu quả đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển bền vững đó./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực