Điều hành chính sách tiền tệ năm 2011 đạt mục tiêu đề ra

Thứ tư, 11/01/2012 11:54

(ĐCSVN) – Đánh giá công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ: các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ trong năm đã phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP, đạt được các mục tiêu đề ra và góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, dần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Theo đó, lượng tiền cung ứng được điều hành chặt chẽ từ đầu năm, góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp, góp phần tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%, góp phần kiềm chế lạm phát tăng chậm lại (từ tháng 8 đến nay, lạm phát tăng dưới 1%/tháng); đồng thời, góp phần tích cực giảm nhập siêu, cải thiện đáng kể cán cân thanh toán quốc tế.

Tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp, nhưng cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm, tín dụng tăng 12%, trong đó VND tăng 10,2%; tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, nhưng từ tháng 8 đến nay tín dụng ngoại tệ đã có xu hướng tăng chậm lại. Ước đến cuối năm, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 18% (trong đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 25%, tín dụng xuất khẩu tăng 58%); tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất giảm 20%, trong đó, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 18,4%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23%.

 

 Điều tiết chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, chủ động và hợp lý gắn với triển khai Nghị quyết 11 (Ảnh minh họa: HNV)


Các mức lãi suất điều hành đã được điều chỉnh hợp lý hơn, phản ánh vai trò cho vay cuối cùng của NHNN; từ tháng 9, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh tăng lên 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng lên 16%/năm; nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng linh hoạt hàng ngày phù hợp với diễn biến vốn khả dụng của hệ thống và diễn biến lãi suất thị trường liên ngân hàng, nhờ vậy, lãi suất liên ngân hàng ở mức cao trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 đã giảm và ổn định, dần hình thành được mặt bằng lãi suất hợp lý. Mặc dù trong tháng 10, lãi suất thị trường liên ngân hàng có áp lực tăng nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của NHNN trên nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn đối với một số tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó khăn về thanh khoản, đến nay đã ổn định trở lại; đến ngày 14/12/2011, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 14,0-14,5%/năm; 1 tuần: 15-16%/năm; 2 tuần 16-17%; 1 tháng 18-19%/năm.

Các mức lãi suất trên thị trường đã hợp lý hơn, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và chỉ đạo của Chính phủ: Trong 8 tháng đầu năm, lãi suất huy động và cho vay VND ở mức cao, nhiều TCTD có lãi suất huy động thực tế trên 14%/năm. Với việc tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động và các giải pháp khơi thông vốn giữa thị trường 1 và thị trường 2 đã tạo điều kiện giảm dần mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Từ tháng 9 đến nay, hầu hết các NHTM thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động. Nhiều NHTM đã giảm lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, phổ biến ở mức 15-17%/năm, giảm so với mức phổ biến từ 18-21%/năm trước khi triển khai Hội nghị toàn ngành ngày 07/9; một số trường hợp doanh nghiệp vay vốn nhằm khắc phục hậu quả bão lụt hoặc doanh nghiệp xuất khẩu cam kết bán ngoại tệ cho TCTD được vay vốn với mức lãi suất khoảng 13,5-14,5%/năm. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác thấp nhất là 17%/năm (mức phổ biến là 18-21%/năm).

Thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo. Từ tháng 10, một số TCTD có khó khăn thanh khoản cục bộ do huy động vốn trên thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư và các tổ chức) giảm mạnh, huy động vốn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) chưa đủ bù đắp, nhưng đã được NHNN hỗ trợ kịp thời thông qua tái cấp vốn, tăng cung trên nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.

Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kết hợp với việc thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô la Mỹ của tổ chức và cá nhân tại TCTD đã góp phần giảm tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Các biện pháp nhằm bình ổn thị trường ngoại hối đã góp phần cải thiện thanh khoản ngoại tệ, tái lập thế cân bằng trên thị trường ngoại hối cũng như thúc đẩy xuất khẩu. Từ tháng 4 đến giữa tháng 8/2011, NHNN đã mua được khối lượng ngoại tệ khá lớn để bổ sung cho Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đến nay, thị trường ngoại hối đã có một số chuyển biến tích cực, thị trường ngoại tệ tự do hầu như không còn hoạt động công khai, các TCTD nhìn chung đã chấp hành các quy định về mua bán ngoại tệ, tâm lý thị trường ổn định hơn, các nhu cầu ngoại tệ cấp thiết đã được đảm bảo.

Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Công tác thanh tra, giám sát về lãi suất và hoạt động huy động, cho vay của các TCTD được thực hiện quyết liệt, lập lại kỷ cương thị trường; tạo ra sự phân hóa giữa nhóm TCTD hoạt động lành mạnh, có hiệu quả với nhóm các TCTD hoạt động kém hiệu quả. Diễn biến này là bài học quý giá cho các TCTD trong việc cần chú trọng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng tự nguyện liên kết, hợp nhất, sáp nhập để tăng cường sức cạnh tranh, qua đó góp phần từng bước lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và tiến tới cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong tương lai. 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực