Dư nợ ngoại tệ tăng mạnh

Thứ hai, 25/07/2011 15:36

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đầu tư)

Lãi suất vay tiền đồng vẫn ở mức cao, cùng sự ổn định của tỷ giá là nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong những tháng qua.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Út Xi cho biết, Công ty đang sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ của Agribank, với lãi suất 4%/năm, trong khi nếu vay vốn bằng VND, lãi suất thỏa thuận mà Út Xi phải trả cho ngân hàng lên đến 20 - 22%/năm.

Áp lực lãi suất vay tiền đồng cao, cộng với sự ổn định của tỷ giá khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Bên cạnh đó, mặc dù có những hạn chế được đưa ra đối với tín dụng ngoại tệ, như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ trần lãi suất huy động tiền gửi USD và hạn chế đối tượng tiếp cận vốn ngoại tệ, song khi ngân hàng cũng khó tăng trưởng dư nợ VND, đã tìm cách huy động ngoại tệ để cho vay. Hệ quả là, dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho thấy, huy động vốn tiền đồng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tính đến cuối tháng 6 là 819.000 tỷ đồng, tăng 1,58% so với cuối năm 2010. Tuy nhiên, huy động bằng VND giảm 0,73%, trong khi huy động bằng ngoại tệ tăng 7,5%. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn 6 tháng đầu năm cũng tăng mạnh so với tốc độ tăng huy động vốn. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay tăng 6,67% so với cuối năm 2010, trong đó, cho vay bằng tiền đồng tăng 2,14%, trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tăng 18,77%. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc một số ngân hàng lách trần huy động đối với tiền gửi ngoại tệ. Mức trần lãi suất 2%/năm được một số ngân hàng bẻ cong, đẩy lên 3 - 5%/năm, với kỳ vọng thu hút ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn có xu hướng gia tăng của khách hàng.

Với lượng mua vào mạnh trong khoảng 3 tháng qua, dự trữ ngoại hối đã được cải thiện. Lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước mua vào từ đầu năm đến nay là 4 tỷ USD, thay cho mức 3 tỷ USD trước đó. Điều này cũng cho thấy, giao dịch ngoại tệ đang dần chuyển sang quan hệ mua - bán nhiều hơn.

Tuy vậy, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP (đề nghị giấu tên) cho biết, vốn huy động bằng ngoại tệ hiện có dấu hiệu sụt giảm, do những người nắm giữ ngoại tệ cảm thấy không còn lợi nhiều khi trần lãi suất tiết kiệm USD giảm mạnh, trong khi lãi suất tiền đồng vẫn ở mức cao, thậm chí còn vượt trần 14%/năm đối với các khoản tiền gửi có giá trị lớn.

Thế nhưng, với tín dụng bằng ngoại tệ, theo vị phó tổng trên, vẫn chưa có dấu hiệu giảm, do trước diễn biến thị trường hiện nay và dự báo xu hướng ổn định của tỷ giá, doanh nghiệp nhập khẩu vẫn thích vay ngoại tệ hơn là vay VND để sử dụng cho mục đích thanh toán.

Nhận thấy đây là cơ hội để tăng trưởng dư nợ, khi mà cho vay tiền đồng khó có thể đẩy mạnh trước áp lực lãi suất còn cao, các ngân hàng thương mại, nhất là những đơn vị quy mô nhỏ đã đẩy mạnh huy động USD vượt trần để lách cho vay.

Bình luận về tình hình này, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị - Kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, sẽ rất nguy hại và tạo áp lực không nhỏ lên cung ngoại tệ, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi có nhiều hợp đồng tín dụng ngoại tệ đến hạn. “Tuy tỷ giá đang khá ổn định, nhưng khi sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, doanh nghiệp cần có biện pháp phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, nhất là thời điểm cuối năm khi nhập siêu gia tăng”, ông Dương khuyến cáo./.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực