Hoàn thiện nền tảng giám sát hiệu quả thị trường tài chính Việt Nam

Thứ ba, 31/12/2013 23:52

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thiết lập và duy trì ổn định tài chính được đặt ra vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần thiết phải chuẩn bị những nền tảng căn bản có tính dài hạn để công tác giám sát tài chính thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo thị trường tài chính trở thành một kênh huy động và điều phối vốn hiệu quả cho nền kinh tế, bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính, tăng cường đạo đức kinh doanh và minh bạch thị trường.

TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, cùng với quá trình phát triển kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam đã hình thành và phát triển, góp phần phân bổ hiệu quả nguồn vốn và thúc đẩy phát triển kinh tế. Sau một thời gian tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường còn tồn tại một số khiếm khuyết có thể gây ra rủi ro bất ổn. Trước thực tế đó, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã tiến hành những bước đi cần thiết để ổn định tình hình, làm tiền đề cho những cải cách cơ bản và dài hạn hơn.

Tháng 03/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 254 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, Đề án tái cơ cấu TTCK tại Quyết định 1826/QĐ-TTg tập trung vào tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tái cấu trúc thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư. Kết quả đã đạt được những thành tựu đáng kể như tái cơ cấu toàn diện một loạt tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém; thanh khoản của các TCTD này được cải thiện, chất lượng tài sản tốt hơn, vốn chủ sở hữu được bổ sung giúp các ngân hàng gia tăng khả năng chống đỡ rủi ro và các mặt hoạt động khác như chiến lược, đầu tư… cũng được củng cố.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm, lạm phát đã được kiềm chế, tỷ giá hối đoái ổn định và dự trữ ngoại hối tăng. Chiến lược xử lý nợ xấu được thông qua và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, góp phần tích cực vào quá trình lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, 20 công ty chứng khoán được tái cơ cấu, tỷ lệ an toàn tài chính, chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán được nâng cao. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính giảm mạnh, các tài sản có rủi ro cao và thanh khoản thấp giảm trong khi vốn khả dụng tăng cao hơn.

Cũng theo TS Phước, thực tế tại nước ta hiện nay, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động giám sát của thị trường tài chính đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đối với hoạt động giám sát ngân hàng có Thông tư 10/2012 của NHNN quy định về xử lý sau thanh tra, giám sát đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chỉ thị 03/NHNN về công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng… Đối với hoạt động giám sát thị trường chứng khoán, có Luật Chứng khoán, các nghị định của Chính phủ trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán …Trong lĩnh vực bảo hiểm có Nghị định số 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…

Có thể thấy, nền tảng cơ sở ban đầu cho giám sát hữu hiệu thị trường tài chính Việt Nam đã được hình thành và củng cố theo thời gian. Những bất ổn thị trường tài chính càng cho thấy rõ những khúc mắc điểm nghẽn cần được giải tỏa để tiến vào giai đoạn phát triển cao hơn. Thành quả của quá trình tái cơ cấu đến nay thực sự tạo tiền đề để giải quyết những vấn đề mang tình nền tảng dài hạn hơn của thị trường tài chính như hình thành khuôn khổ duy trì ổn định tài chính, kiện toàn chuẩn mực an toàn tài chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, minh định cấu trúc giám sát tài chính, phối hợp giám sát vĩ mô và vi mô...

Trên cơ sở đó, nhằm xây dựng nền tảng hoàn thiện hơn cho giám sát hiệu quả thị trường tài chính Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đều cho rằng, cần xây dựng chính sách vĩ mô ổn định và bền vững. Đây là một trong những điều kiện cơ bản tạo lập nền tảng vận hành ổn định và lành mạnh thị trường tài chính. Theo đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần có sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ, hướng tới mục tiêu ổn định tài chính. Thực tế cho thấy, sự phối hợp còn thiếu hài hoà trong điều hành chính sách, làm gia tăng nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, cần thiết lập khuôn khổ xử lý rủi ro hệ thống, duy trì ổn định tài chính, xem đây là điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực và ngược lại. Kiện toàn công tác giám sát tài chính với việc tiếp tục nỗ lực và kiên trì áp dụng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản về giám sát tài chính do các cơ quan xây dựng chuẩn mực (BIS, IOSCO, IAIS) ban hành.

Đồng thời, xác lập khuôn khổ xử lý bất ổn tài chính, giảm bớt xác suất xảy ra đổ vỡ, đảm bảo quá trình giải thể diễn ra một cách có trật tự, hạn chế lan truyền rủi ro đến các định chế khác và thị trường tài chính. Do đó, công tác xử lý giải thể và cơ chế phối hợp hành động giữa các cơ quan hữu quan cần được xác định rõ ràng và thể chế hóa, nhất là đối với thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam.

Ngoài ra, cần chú trọng tới cơ sở hạ tầng tài chính phát triển. Hiện tại, về cơ bản, Việt Nam đã trang bị được một cơ sở hạ tầng tài chính tương đối đầy đủ để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường tài chính như luật các TCTD, luật doanh nghiệp, luật chứng khoán, luật bảo hiểm, chuẩn mực kế toán VAS, chuẩn mực kiểm toán Việt nam đã được ban hành và chỉnh sửa ngày càng tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế.

Thêm vào đó, cần đảm bảo mạng an toàn tài chính hoạt động hiệu quả, duy trì sự ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính và xử lý khủng hoảng.

Mặt khác, cũng cần tăng cường minh bạch thông tin bởi việc công bố thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên tham gia thị trường. Việc thông tin cung cấp không đầy đủ, không kịp thời sẽ gây ra những nhận định thiếu chính xác và gây thiệt hại đến cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp, tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin, sự lành mạnh và bền vững của thị trường. Thông tin cung cấp ra cần đảm bảo tính minh bạch, chính xác, có ý nghĩa và kịp thời tới các cơ quan quản lý, đối tác, nhà đầu tư và cộng đồng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực