Khơi nguồn vàng trong dân

Thứ sáu, 26/08/2011 16:14

Lượng vàng trong dân tại Việt Nam hiện khoảng 300 - 500 tấn.

Theo nghị định mới về quản lý thị trường vàng sắp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, sẽ triển khai các kế hoạch đồng bộ, trong đó có việc huy động vàng trong dân, nhằm bình ổn thị trường, tăng nguồn lực quốc gia.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ tiếp tục chủ động, kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết, ở thời điểm cần thiết để bình ổn thị trường. Mặt khác, NHNN sẽ đứng ra giữ vàng cho dân.

Trước đó, với Thông tư số 11/2011/TT-NHNN quy định việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng, các ngân hàng không được cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác; không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác cũng như đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.

Sở dĩ phải cần khơi thông nguồn vàng trong dân là gần đây, giá vàng thế giới biến động mạnh, song giá bán trong nước nhiều thời điểm cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, gây thiệt hại cho người dân. Do đó, theo Thống đốc NHNN, ngoài việc sẽ cho nhập vàng để bình ổn giá thị trường (nếu diễn biến giá vàng tiếp tục tăng cao), NHNN sẽ tận dụng tối đa nguồn vàng trong nước để bình ổn giá.

Theo tính toán của NHNN, lượng vàng trong dân tại Việt Nam hiện khoảng 300 - 500 tấn.

NHNN sẽ trình Chính phủ đề án, theo đó NHNN sẽ thay mặt Nhà nước huy động vàng của dân. Nhưng về luật pháp, NHNN không thể trực tiếp làm, mà sẽ sử dụng các tổ chức tín dụng huy động. Số vàng của dân gửi sẽ làm tăng dự trữ quốc gia, đồng thời NHNN có thể dùng số vàng này can thiệp thị trường khi cần thiết. Còn người dân thì có chỗ cất trữ an toàn và có nơi mua bán tin cậy khi có nhu cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế – tài chính cũng cho rằng, cần thiết khơi thông được nguồn vốn này trong dân, thay vì cấm huy động vốn bằng vàng như hiện nay, bởi như vậy sẽ làm một nguồn vốn lớn không được khai thác và sử dụng hiệu quả cho nền kinh tế.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: “Với lượng vàng trong dân không nhỏ, cần tận dụng để tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế”.

Còn theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM, Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng, nên giá cả phải phụ thuộc vào giá thế giới. Nguồn vàng trong nước nhiều, nhưng chủ yếu do người dân, các công ty và ngân hàng nắm giữ. Tuy nhiên, việc nguồn vàng trong nước không được khơi thông trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng đầu cơ đẩy giá lên. Diễn biến như vậy sẽ còn lặp lại, nếu như không có các giải pháp căn cơ đối với thị trường này.

Ông Dương cho rằng, việc cho nhập vàng chỉ giải quyết được phần nào tâm lý của thị trường tại thời điểm đó, chứ không phải là giải pháp dài hạn, nên cần có chính sách nhằm giải tỏa lượng vàng đang ùn tắc trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, về dài hạn, cơ quan chức năng cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng để huy động nguồn vàng trong dân.

Vấn đề này cũng được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Chính phủ. Theo Hiệp hội, việc đóng cửa các sàn giao dịch vàng là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, vì chúng ta chưa xây dựng được hành lang pháp lý đối với hoạt động này. Tuy nhiên, với việc đóng cửa các sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, thị trường vàng Việt Nam đã chuyển hoàn toàn sang thị trường vàng vật chất, gây tốn kém về ngoại tệ nhập khẩu vàng và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mặt khác, loại hình giao dịch vàng vật chất đi ngược với xu hướng hội nhập quốc tế, vì trên thế giới có tới hơn 80% giao dịch vàng là giao dịch trên tài khoản.

Do vậy, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, cần thiết phải có sở giao dịch vàng quốc gia để tạo ra sân chơi cho minh bạch, bình đẳng, giảm thiểu nhu cầu tích trữ vàng miếng của người dân, đồng thời giảm các hình thức giao dịch bất hợp pháp…/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực