Kiều hối có dấu hiệu hồi phục

Thứ sáu, 15/07/2011 16:02
 

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tăng trưởng của doanh số kiều hối chuyển về Việt Nam qua một số đơn vị trực thuộc ngân hàng trong nước cho thấy, dấu hiệu tích cực đối với thu hút nguồn kiều hối trong năm 2011.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, doanh số chi trả kiều hối trong 6 tháng đầu năm nay qua Công ty Kiều hối trực thuộc Ngân hàng (Sacombank - SBR) đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Sacombank - SBR mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 ở mức 10 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lợi nhuận 3 - 4 tỷ đồng của các năm trước.

Doanh số chi trả kiều hối qua Trung tâm Chuyển tiền nhanh (Western Union) thuộc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 6 tháng qua cũng tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và kế hoạch mà Western Union đưa ra cho năm 2011 là đạt mức tăng trưởng 10% so với cả năm 2010.

“Khả năng nguồn kiều hối về Việt Nam sẽ dồi dào hơn trong những tháng còn lại của năm, vì đây được xem là mùa vụ khi các kiều bào chuyển tiền về cho người thân trong dịp lễ, Tết”, ông Trần Công Bình, Giám đốc Western Union của ACB cho biết.

Trước xu hướng tăng trưởng doanh thu chi trả kiều hối, Công ty Kiều hối Đông Á cũng tự tin đặt mục tiêu doanh số chi trả kiều hối năm 2011 tăng khoảng 20% so với năm 2010 và tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh số chi trả tại Việt Nam. Trong năm qua, doanh số chi trả kiều hối của Đông Á đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009. Công ty đã phát triển được hơn 60 đối tác có mặt ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Kiều hối Đông Á sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển các sản phẩm bán chéo hỗ trợ kiều hối để gia tăng giá trị dịch vụ, tăng tính thuận tiện và tối đa lợi ích cho các khách hàng nhận kiều hối”, lãnh đạo Công ty cho biết.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Việt Nam hiện có gần 55.000 người đi làm việc ở nước ngoài, mỗi năm thu nhập 1,8 - 2 tỷ USD và thường xuyên được chyển nước, cộng với các kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài có nhu cầu gửi về cho người thân ở Việt Nam, doanh số kiều hối đạt được tối thiểu mỗi năm ước trên 6,5 tỷ USD.

Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai và là nguồn cung cấp ngoại tệ cho nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, kiều hối giúp Việt Nam giảm thiểu nhiều rủi ro huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Vì vậy, khơi thông dòng kiều hối có ý nghĩa rất quan trọng trong chính sách tiền tệ và dịch vụ ngân hàng hiện nay.

Để đón đầu mùa kiều hối năm nay, các ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều dịch vụ chi trả tiện ích, nhằm thu hút nguồn kiều hối. Điển hình là việc Ficombank vừa ký hợp tác chuyển kiều hối và dịch vụ lưu giữ giá trị tài chính với Công ty Remit2Vietnam (R2V, Australia). Thông qua đối tác là các định chế tài chính ở nước ngoài, R2V sẽ là đầu mối tiếp nhận tiền chuyển từ nước ngoài về Việt Nam từ những người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại Mỹ, Australia, Canada…

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ nay đến ngày 31/8/2011, SCB triển khai chương trình “nhận kiều hối - nối niềm vui” dành cho khách hàng cá nhân nhận kiều hối tại SCB thông qua Western Union và kênh ngân hàng. Khách hàng sẽ được tặng quà nhiều lần; được SCB mua lại khoản tiền nhận kiều hối bằng ngoại tệ cao hơn giá niêm yết…

Có thể nói, với con số kiều hối đạt được trong năm 2010 ở mức 8 tỷ USD, kỳ vọng đặt ra nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm nay sẽ cao hơn khi tình hình kinh tế dần hồi phục./.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực