Lợi nhuận ảo lộ diện trong báo cáo tài chính soát xét

Thứ năm, 25/08/2011 17:15

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

Đây là năm thứ 3 các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên. So với hai mùa trước đó, năm nay số lượng báo cáo tài chính có vấn đề sau khi soát xét bỗng nhiên tăng đột biến.

8,5% chênh lệch lợi nhuận sau soát xét

Cuối tháng 7, CTCP Lilama 5 (LO5) báo lãi nhẹ hơn 1 tỷ đồng trong hai quý đầu năm. Tuy nhiên, chưa đầy ba tuần sau đó, khi báo cáo tài chính soát xét được công bố, lợi nhuận giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn 453 triệu đồng. Nhưng đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Trong báo cáo tài chính soát xét của LO5, kiểm toán viên viết: "Trong kỳ, một số hạng mục công trình đã ghi nhận doanh thu nhưng giá vốn hạch toán kết chuyển thiếu vào kết quả kinh doanh. Theo ước tính của kiểm toán viên, số giá vốn phải được hạch toán thêm vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011 là 8,18 tỷ đồng. Nếu hạch toán bổ sung giá vốn trên thì kết quả kinh doanh sẽ trở thành lỗ 7,6 tỷ đồng". Như vậy, sau khi báo cáo tài chính được soát xét, dù vẫn giữ được con số lãi về mặt hình thức, nhưng thực chất tất cả đều hiểu LO5 bị lỗ trong nửa đầu năm nay.

Vấn đề chênh lệch lợi nhuận trước và sau soát xét báo cáo tài chính, báo lãi nhưng thực chất lỗ như LO5 không còn là chuyện mới mẻ trên thị trường. Có chăng năm nay diễn biến không dừng lại ở hiện tượng đơn lẻ mà thành trào lưu diễn ra trên diện rộng, rải đều trong tất cả các ngành, không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Theo thống kê của Vietstock, tính đến cuối ngày 22/8 đã có 57 công ty niêm yết có lợi nhuận chênh lệch sau soát xét, tương ứng với 8,5% số doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn. Xét về con số phần trăm, hiện tại CTCP Đầu tư và xây dựng Điện Mêca Vneco đang giữ vị trí "quán quân" khi khoản lỗ sau soát xét tăng 334%. Còn về con số tuyệt đối, vị trí đứng đầu đang thuộc về CTCP Đầu tư bất động sản Việt Hải với con số lỗ gần 250 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với trước khi soát xét.

Trong diễn biến ngược lại, không ít doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận tăng mạnh sau soát xét: CTCP Dầu thực vật Tường An có lợi nhuận tăng từ 11,6 tỷ đồng lên 14 tỷ đồng; CTCP Bột giặt NET tăng từ 32,7 tỷ đồng lên 35,3 tỷ đồng, CTCP Cấp nước Chợ Lớn tăng từ 15,3 tỷ đồng lên 17,1 tỷ đồng. Thậm chí, CTCP Hóa dầu Petrolimex có lợi nhuận tăng tới 88 tỷ đồng nếu hạch toán đúng. Lại có những doanh nghiệp như CTCP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn, CTCP Gemadept (báo cáo công ty mẹ) còn bất ngờ … được giảm lỗ sau khi báo cáo tài chính được soát xét.

Trong số này, không ít gương mặt là các công ty lớn đầu ngành, cựu binh trên sàn niêm yết, nên khó tin bộ phận kế toán bỗng "ngây thơ" đến mức để xảy ra các sai sót. Phía sau các con số là sự nâng lên, đặt xuống lợi nhuận có chủ ý khi nhiều doanh nghiệp muốn giấu bớt lãi, ém tin tốt chờ thời vào lúc thị trường quá ảm đạm?

Những con số ảo chưa dừng lại

Con số 57 báo cáo tài chính có lợi nhuận chênh lệch trước và sau soát xét chắc chắn chưa dừng lại. Thứ nhất, theo thống kê của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), tính đến cuối tuần trước, mới có hơn 200 trong số 300 doanh nghiệp niêm yết trên sàn này công bố báo cáo tài chính 6 tháng soát xét, chiếm 69%. Trên sàn Hà Nội, dù chưa có số liệu thống kê nhưng chắc chắn tình hình không khả quan hơn. Bởi một kinh nghiệm thường thấy là các doanh nghiệp càng chậm thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc thì báo cáo tài chính càng dễ phát sinh vấn đề. Thứ hai, trong số các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính soát xét, rất nhiều con số lợi nhuận ảo vẫn đang mặc nhiên tồn tại song song với vô số các lưu ý của công ty kiểm toán: doanh nghiệp này chưa trích lập dự phòng đầu tư tài chính, doanh nghiệp kia chưa trích lập dự phòng nợ khó đòi… Nếu làm đúng, hạch toán đủ bao nhiêu thì lợi nhuận rơi rụng tương ứng bấy nhiêu, công ty lãi nhiều sẽ trở thành lãi ít, lãi ít sẽ đổi màu thành lỗ.

Chẳng hạn, báo cáo tài chính soát xét của CTCP Xây dựng và kinh doanh vật tư (CNT) ghi nhận doanh thu trong kỳ nửa đầu năm 2011 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng vọt 62% so cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 7,3 tỷ đồng. Thế nhưng, Công ty Kiểm toán Deloitte cho rằng, doanh thu hoạt động tài chính của CNT ghi nhận cao hơn thực tế 6 tỷ đồng. Nếu hạch toán phù hợp, kéo theo lợi nhuận lưu giữ đầu kỳ thấp hơn một khoản tương tự. Vì vậy, lợi nhuận của CNT sẽ giảm từ 7,3 tỷ đồng xuống còn 1,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 82%.

Một trường hợp khác, Deloitte cũng lưu ý về báo cáo tài chính của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), nếu hạch toán chênh lệch tỷ giá theo đúng hướng dẫn thì lợi nhuận sẽ giảm 35 tỷ đồng. Sai sót tương tự diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khác: CTCP Hóa An, CTCK Dầu khí, CTCK Phương Đông chưa trích lập đủ dự phòng đầu tư tài chính; CTCP Xây dựng số 1 chưa trích lập dự phòng nợ khó đòi; CTCP Vạn Phát Hưng ghi nhận lại giá trị của các quyền sử dụng đất được bán…

Sai sót trong quá trình làm báo cáo tài chính là khó tránh khỏi, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều công ty con, công ty liên kết, cũng như có sự hiểu và xử lý số liệu kế toán khác nhau so với công ty kiểm toán. Nhưng những năm trước, sai sót này chỉ mang tính chất đơn lẻ thì năm nay đã lan rộng trở thành hiện tượng nhức nhối. Thực tế tại các TTCK được tiếng là minh bạch như Mỹ cũng xảy ra các vụ bê bối về số liệu tài chính như Enron hay Worldcom. Không lạ khi một thị trường cận biên như TTCK Việt Nam cũng đối diện với vấn nạn này. Vấn đề mang tính thời sự hiện nay là sau một vài hiện tượng đơn lẻ cách đây 2 - 3 năm, xu hướng xào nấu số liệu có xu hướng lan rộng và đang diễn ra tràn lan. Thậm chí, với một số công ty, vấn nạn này đã trở thành câu chuyện dài tập khi các sai sót lặp đi lặp lại mang tính chủ ý. Thực trạng này phát sinh từ việc thị trường thiếu vắng các chế tài đủ mạnh để xử lý và răn đe các sai phạm. Ngay từ bây giờ, nếu không thực hiện một cuộc đại phẫu để lập lại sự minh bạch thì liệu có bao nhiêu phần trăm trong số các nhà đầu tư, các cổ đông không có quyền tham gia sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, dám tin vào báo cáo tài chính chưa được kiểm toán?./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực