Mở rộng thu hút dòng vốn ngoại

Thứ ba, 02/08/2011 17:11

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: vietnam+)

Nghị định 59/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% nhà nước thành CTCP có hiệu lực từ ngày 5/9 tới. Quy định mới này lần đầu tiên cho phép cổ đông chiến lược (thường nhắm tới NĐT nước ngoài) được mua cổ phần trước khi DN bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Cơ chế "mở" này sẽ được phát huy tới đâu khi đợt IPO của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa kết thúc hoàn toàn "đóng cửa" với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) hụt hơi kéo dài, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không giấu được trăn trở khi chia sẻ, muốn tạo sinh khí mới cho thị trường, đặc biệt là ở khía cạnh cải thiện dòng tiền, TTCK cần rộng cửa hơn nữa trong thu hút dòng vốn ngoại. Một trong những kế sách để đạt mục tiêu này là trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sắp tới, ngoài việc tiếp tục gắn chặt với niêm yết trên TTCK hơn nữa, thì rất cần chú ý thu hút NĐT nước ngoài tham gia, nhất là ở vai trò NĐT chiến lược.

Mong mỏi trên vẫn chỉ dừng lại ở… hy vọng nếu nhìn lại kết quả triển khai CPH 4 DN lớn từ đầu năm đến này là: Tổng công ty miền Trung, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Tổng công ty Thép Việt Nam và Petrolimex, bởi "cửa" cho NĐT nước ngoài tham gia các đợt IPO này rất hẹp.

Tổng giám đốc một CTCK nhìn nhận, tỷ lệ cổ phần đưa ra IPO của các DN này rất thấp, nếu không muốn nói là nhỏ giọt, đơn cử như Petrolimex chỉ là 2,56% vốn điều lệ, trong khi thông tin về DN còn không ít "khoảng mờ", nên không thu hút được NĐT nước ngoài tham gia. Đặc biệt, với trường hợp của Petrolimex, NĐT nước ngoài còn không được tham gia IPO, bởi ngoài lý do an ninh năng lượng quốc gia, thì theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo, Petrolimex có đủ nguồn lực về tài chính, công nghệ… để phát triển tốt mà không cần có bàn tay của NĐT nước ngoài.

Nhìn lại bức tranh cổ phần hóa (CPH) DNNN 7 tháng đầu năm nay, TS. Quách Đức Pháp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, cái NĐT nước ngoài cần, thì DN không đáp ứng và ngược lại điều DN muốn thì NĐT nước ngoài cũng khó chiều lòng. Nói cách khác, chúng ta muốn bán những thứ NĐT không cần, trong khi những gì NĐT cần chúng ta lại chưa bán. Chính độ vênh này mà các đợt IPO không thu hút được NĐT nước ngoài tham gia, chứ không hẳn là do TTCK diễn biến ảm đạm…

Cụ thể, theo ông Pháp, cái NĐT nước ngoài cần là tỷ lệ cổ phần chào bán tại các DN IPO phải đủ lớn, để khi bỏ vốn đầu tư họ có thể tham gia với một vai trò nhất định trong quản lý, điều hành DN. Tuy nhiên, thì các đợt IPO vừa qua không đáp ứng được mong đợi này. Tỷ lệ cổ phần đưa ra IPO quá thấp, khiến NĐT cảm thấy hơi hướng của CPH nội bộ, nghĩa là mới thuần tuý đổi tên cho DN, chứ về bản chất chưa có thay đổi về nhân sự, hoạt động quản trị, tư duy điều hành, hiệu quả kinh doanh tại DN theo mô hình công ty cổ phần đúng nghĩa. Đó là chưa kể, thông tin về hoạt động của DN trước các đợt IPO thường được cung cấp vội vã qua vài cuộc roadshow, quá nặng về thủ tục theo yêu cầu bắt buộc hơn là minh bạch thông tin để thu hút NĐT…

"Nếu những hạn chế trên không sớm được khắc phục, thì nỗ lực thu hút NĐT nước ngoài tham gia các đợt IPO lớn sắp tới là chuyện không tưởng, mặc dù trên thực tế, nhà đầu tư ngoại nào cũng mong muốn giải ngân vào các đợt IPO của DNNN lớn", ông Pháp cảnh báo.

Muốn hút NĐT nước ngoài tham gia các đợt IPO thời gian tới, theo các chuyên gia, đã đến lúc cần sớm chi tiết hoá danh mục các DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, để xây dựng phương án CPH theo hướng nâng cao tỷ lệ cổ phần đưa ra bán đấu giá, thay vì chỉ đem bán dưới 10% vốn điều lệ như hiện nay. Trên cơ sở đó, ưu tiên IPO sớm các DN có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, cần coi trọng minh bạch thông tin của các DN nhằm hấp dẫn NĐT nước ngoài tham gia các đợt IPO.

Một quan chức Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, kế hoạch IPO các DN lớn năm 2011 đến thời điểm này, về cơ bản đã hoàn tất sau khi triển khai IPO 4 DN. Kế hoạch IPO một số DN lớn sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2012. Hy vọng, việc đẩy nhanh CPH các DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, cùng với cơ chế NĐT nước ngoài được phép thương thảo mua cổ phần trước IPO theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP, sẽ tạo sức hấp dẫn để thu hút NĐT nước ngoài tham gia CPH các DNNN lớn tới đây./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực