Ngân hàng cũng “hụt hơi” vì lãi suất cao

Thứ sáu, 15/07/2011 16:01

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

Tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng trong gần 6 tháng đầu năm chỉ mới đạt hơn 1/3 so với mục tiêu cả năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì thế, hiện "room" tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM), nhất là những ngân hàng đã có tổng dư nợ cao vẫn khá lớn. Tuy nhiên, khi áp lực lãi suất đầu ra vẫn đè nặng lên người cần vốn, ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng không dễ.

Trái với những nhà băng nhỏ phải giảm dần dư nợ, nhất là với tín dụng phi sản xuất để đáp ứng yêu cầu của NHNN, các ngân hàng lớn cho biết, "room" tín dụng đang khá dôi dư khi tăng trưởng dư nợ 6 tháng đầu năm không đáng kể so với cuối năm trước. Chẳng hạn, Tổng giám đốc Sacombank, ông Trần Xuân Huy cho hay, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng chỉ đạt 2,8% so với cuối năm 2010. Ông Huy lý giải, sở dĩ tăng trưởng dư nợ cho vay rất chậm là do áp lực lãi suất vay thỏa thuận tiền đồng đứng ở mức cao, buộc người cần vốn phải tính toán lại.

Hiện áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt khi CPI tháng 6 chỉ tăng hơn 1% so với tháng trước đó và dự báo sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý hơn trong những tháng tới, song theo nhận định của lãnh đạo Sacombank, lãi suất khó có thể giảm nhanh như kỳ vọng. Vì thế, Ngân hàng cũng chưa thể mạnh tay điều chỉnh lãi suất cho vay để giảm áp lực cho khách hàng, đẩy mạnh hoạt động cho vay. Mặt khác, trong hoạt động tín dụng hiện nay, trước khi trao vốn cho khách hàng, các ngân hàng cũng có sự chọn lọc kỹ hơn so với trước đây, nên tăng trưởng dư nợ tín dụng khó có thể tăng trưởng mạnh.

Một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank (VCB) cũng cho hay, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng trong 6 tháng qua chỉ đạt mức 8% so với chỉ tiêu xây dựng cả năm nay là 20%. Đánh giá về diễn biến thị trường trong những tháng còn lại của năm tài chính 2011, VCB cho rằng, thách thức và khó khăn còn chực chờ với hoạt động của ngành. Lãi suất dù được dự báo giảm, song do CPI cả năm nay dự kiến ở mức trên dưới 15%, nên khó có thể kỳ vọng lãi suất giảm mạnh trong 2 quý còn lại.

Hiện nay, lãi suất cho vay VND bình quân thực tế khoảng 18,74%/năm, tăng 3,4%/năm so với cuối năm 2010. Trong đó, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 17 - 19%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác khoảng 19,2%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất khoảng 22 - 25%/năm. Còn lãi suất USD tương đối ổn định, cho vay USD bình quân ở mức 6,4%/năm. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ giữa tháng 5 đến nay có xu hướng giảm. NHNN cũng điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 15%/năm xuống 14%/năm. Tuy nhiên, NHNN cho rằng, đây không phải là tín hiệu chính sách, chỉ là giải pháp điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, theo các mục tiêu tiền tệ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Vì thế, dù dư nợ gần 6 tháng qua chỉ mới đạt hơn 7%, song các ngân hàng cho biết, khó có thể giảm mạnh lãi suất cho vay để giảm áp lực cho người cần vốn trong thời gian tới.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, 6 tháng qua, dư nợ tín dụng của Ngân hàng chỉ tăng gần 8%, nhưng không phải vì thế mà DongA Bank kỳ vọng tín dụng sẽ phát triển mạnh trong hơn 5 tháng còn lại của năm. Bởi để kiểm soát được tăng trưởng dư nợ theo mục tiêu NHNN đề ra, DongA Bank đã lên kế hoạch tăng trưởng dư nợ cho từng quý. Mặt khác, theo ông Bình, lãi suất cao là rào cản đối với tín dụng và chưa thể sớm giảm.

Theo lãnh đạo của một ngân hàng, NHNN không nên đưa ra chỉ tiêu tín dụng một cách cố định như mức 20% trong năm nay, mà nên căn cứ vào hệ số an toàn vốn (CAR). Có nghĩa là các ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng đến bao nhiêu thì tăng, nhưng CAR (quy định hiện nay là 9%) không đạt thì buộc phải dừng lại./.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực