Ngân hàng nhỏ quay lưng với tín dụng phi sản xuất

Thứ năm, 28/07/2011 15:45

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công bố danh tính 9 tổ chức tín dụng bị phạt vì không đưa được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về mức 22% tổng dư nợ vào cuối tháng 6/2011 nhưng cơ quan này cho biết, các nhà băng này đều phải chịu mức phạt tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi kể từ tháng 7 theo quy định tại Chỉ thị 01/2011/CT-NHNN.

Với sự kiên quyết này của cơ quan quản lý, những ngân hàng nhỏ có tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất cao đang phải gấp rút thu hẹp mảng tín dụng này để đạt được tỷ lệ cho phép 16% vào cuối năm nay.

Theo NHNN, tỷ lệ vượt so với mức quy định 22% của 9 tổ chức tín dụng trên là không nhiều và hoàn toàn có thể kéo xuống dưới 22% trong tháng 7/2011, hoặc chậm nhất là tháng 8. Sau khi kéo được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất đáp ứng chỉ tiêu 22%, các nhà băng trên sẽ được trả lại mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc như trước. Tuy nhiên, trước mắt, những đơn vị này đều phải tăng dự trữ bắt buộc. Cụ thể, đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 năm sẽ tăng từ 3% lên 6%; kỳ hạn trên 1 năm tăng từ 1% lên 2%; với tiền gửi USD không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 năm tăng từ 7% lên 14%; kỳ hạn trên 1 năm từ 5% lên 10%.

Do đó, các nhà băng nhỏ chưa đưa được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về mức cho phép đương nhiên không thể mở hầu bao cho vay ở lĩnh vực này. Mặt khác, những ngân hàng đã giảm dư nợ phi sản xuất về 22% vào cuối tháng 6 vừa qua vẫn phải tiếp tục giảm tỷ lệ này xuống còn 16% vào cuối năm nay.

Theo ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank, hiện dư nợ phi sản xuất của Ngân hàng đã được kéo giảm về dưới mức cho phép. Tuy nhiên, không phải vì thế mà TrustBank có thể tái đẩy mạnh vốn cho vay ở lĩnh vực này. Bởi ông Toàn cho rằng, việc điều chỉnh giảm dư nợ phi sản xuất chỉ trong một thời gian ngắn là rất khó khăn. Vì vậy, ngay từ khi NHNN ban hành Chỉ thị 01 vào tháng 3/2011, TrustBank không chỉ khép dần cửa với tín dụng cầm cố chứng khoán, bất động sản và cho vay tiêu dùng, mà còn ráo riết vận động khách hàng có khả năng trả nợ trước hạn.

Tăng trưởng dư nợ trong những tháng đầu năm nay của OCB còn ở mức khá thấp và "room" tín dụng còn nhiều nên Ngân hàng chưa hết dư địa để triển khai hoạt động cho vay. Tuy nhiên, OCB cũng không mạo hiểm đẩy vốn vào lĩnh vực phi sản xuất, dù Ngân hàng đã giảm được tỷ lệ dư nợ cho vay ở lĩnh vực này về dưới mức cho phép (khoảng 21% vào cuối tháng 6 vừa qua). Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, để có thể đảm bảo được dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất về đúng tỷ lệ cho phép của NHNN vào cuối năm nay thì Ngân hàng phải cơ cấu lại nợ, từng bước hạn chế dần cho vay ở lĩnh vực này. Hiện OCB không còn cho vay cầm cố cổ phiếu, bất động sản (kể cả cho vay mua nhà, đất trả góp…) cũng như tiêu dùng cá nhân.

Còn theo ông Đặng Đức Toàn, Tổng giám đốc WesternBank, Ngân hàng đã giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về dưới 22% trước ngày 30/6. "Hiện tỷ lệ dư nợ phi sản xuất của Ngân hàng chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Nhưng để đạt được tỷ lệ này, chúng tôi cũng phải khép dần với tín dụng phi sản xuất trong thời gian qua nên không thể rộng cửa tái cho vay trong những tháng tới", ông Toàn nói.

Để có thể giảm được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống 16% vào cuối năm nay theo quy định tại Chỉ thị 01 là gánh nặng lớn đối với các nhà băng quy mô nhỏ. Trong đó, phải kể đến những ngân hàng vừa tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc OCB đề xuất, NHNN nên dừng lại ở việc khống chế dư nợ phi sản xuất với tỷ lệ 22% tổng dư nợ so với con số 16% vào cuối năm 2011.

Các ngân hàng cho biết, trước áp lực lãi suất thỏa thuận tiền đồng áp dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, đất, sửa chữa nhà, kinh doanh chứng khoán và tiêu dùng dao động từ 22 - 26%/năm, những khách hàng có nhu cầu vốn cũng rất ngại tiếp cận vốn vay. Hiện nay, chỉ với tín dụng bất động sản tiêu dùng (mua nhà, căn hộ, sửa chữa nhà trả góp…), nhu cầu thực tế vẫn rất cao, trong đó có những người đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dù không muốn cũng phải chấp nhận lãi suất cao để có thể giải ngân vốn theo tiến độ dự án cũng như hợp đồng tín dụng ký với nhà băng. Vì thế, việc các ngân hàng nhỏ khép cửa tín dụng bất động sản cho vay mua nhà, căn hộ dưới hình thức trả góp đang tạo áp lực không nhỏ cho phân khúc khách hàng này.

Trên thực tế, các ngân hàng lớn còn "room" cho vay phi sản xuất cũng chỉ ưu tiên cho khách hàng cũ của họ mà không chào đón khách hàng mới. Điển hình như lãnh đạo DongA Bank cho biết, đến thời điểm này tỷ trọng cho vay phi sản xuất chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dư nợ, nhưng DongA Bank chỉ ưu tiên vốn cho khách hàng cũ.

Do đó, các ngân hàng cho rằng, cơ quan quản lý cần có quy định rõ ràng hơn đối với tín dụng bất động sản; trong đó, mảng cho vay mua nhà, căn hộ, sửa chữa nhà trả góp cần được xem là tín dụng tiêu dùng và góp phần đẩy mạnh sản xuất, thay vì liệt vào dạng phi sản xuất./.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực