Ngành ngân hàng đẩy mạnh tín dụng vào khu vực Tây Nguyên

Chủ nhật, 14/04/2013 10:13

(ĐCSVN)Tây Nguyên là khu vực có vị trí chiến lược, bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, với trên 2 triệu ha đất bazan đỏ màu mỡ, phù hợp với các cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, đặc biệt là cây cà phê. Có lợi thế và tiềm năng về kinh tế, vì vậy đây cũng là thị trường hoạt động của ngành ngân hàng.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế vùng của Đảng và Chính phủ, định hướng phát triển kinh tế địa phương của các tỉnh trong khu vực để đẩy mạnh đầu tư tín dụng, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong vùng và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc. Bên cạnh các hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngành Ngân hàng đã hết sức tích cực trong công tác hỗ trợ an sinh xã hội, góp phần hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng đời sống cho người nghèo, giảm nghèo bền vững tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên.

Theo số liệu thống kê của NHNN, đến cuối năm 2012, huy động vốn trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt trên 63.344 tỷ đồng, tăng 37,31% so với cuối năm 2011 và cao hơn mức tăng chung của cả nước. Mặc dù huy động vốn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 60% dư nợ cho vay trên địa bàn.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên đến cuối năm 2012 đạt 104.483 tỷ đồng, tăng 13,46% (cao hơn mức tăng chung của cả nước). Trong đó, cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối năm 2012 chiếm tỷ trọng 50,77% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và có mức tăng trưởng 27,8%. Tín dụng cho chăm sóc, chế biến và xuất khẩu cà phê đến 31/12/2012 đạt 29.619 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,35% trên tổng dư nợ của toàn khu vực.

Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng tham gia vào các dự án lớn, dự án trọng điểm góp phần vào thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, như các dự án thủy điện, dự án đường dây truyền tải điện 500 kv, 220 kv...

Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại phục vụ phát triển kinh tế, ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng chính sách nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.

Đến 31/12/2012, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 11.664 tỷ đồng, tăng 11,97% so với 31/12/2011 với gần 260.000 lượt khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Đáng chú ý, vốn tín dụng chính sách đã đến tất cả các thôn bản, vùng sâu vùng xa, giúp trên 41.703 hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho gần 11.571 lao động có việc làm; hơn 81.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng trên 143 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 54 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách và hơn 1,7 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động.

Khu vực Tây Nguyên có 3/62 huyện được xác định nghèo và khó nhất nước. Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các TCTD (chủ lực là ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội) thực hiện cho vay ưu đãi theo chính sách của Nghị quyết 30a. Kết quả, đến 31/1/2013, các ngân hàng đã thực hiện cho vay 03 huyện nghèo thuộc khu vực Tây Nguyên với tổng dư nợ đạt 53,180 tỷ đồng tăng 2,75% so với cuối năm 2012 với 1.522 khách hàng còn đang dư nợ.

Theo NHNN, bên cạnh những thành tựu đạt được, trên khu vực Tây Nguyên vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh là do hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh mang tính gia đình có đặc điểm là quy mô nhỏ bé; Năng lực tài chính và quản lý, điều hành còn yếu; Phương thức sản xuất kinh doanh cũ, lạc hậu; Trình độ hạch toán kế toán yếu; Tiềm lực tài chính yếu, vốn tự có thấp; Tài sản bảo đảm ít, hàng tồn kho cao, Báo cáo tài chính thiếu tính minh bạch; Sức tiêu thụ hàng hóa chậm...

Về phía Ngân hàng, lãi suất cho vay tuy đã liên tục giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lợi của một số doanh nghiệp.  Đồng thời, quy định điều kiện cho vay của các NHTM là chặt chẽ nhưng chưa linh hoạt. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch và cán bộ NHTM trong khu vực còn ít trong khi địa bàn hoạt động rộng, nhiều khách hàng ở xa trụ sở ngân hàng nên có khó khăn trong việc nắm bắt thông tin của khách hàng. Mặt khác, Chiến lược xúc tiến đầu tư của khu vực và từng tỉnh chưa rõ ràng, cơ chế thu hút đầu tư còn mang tính tự phát, thiếu định hướng về quy hoạch phát triển chung và liên kết vùng; Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tại các tỉnh trong vùng chưa được tốt...

Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên. trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, ngành ngân hàng sẽ tăng cường cho vay phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế so sánh của khu vực, nhằm phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong khu vực như, nông, lâm nghiệp, du lịch, khoáng sản, thuỷ điện.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư vào các cây công nghiệp dài ngày phù hợp với địa bàn Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su...Riêng đối với cây cà phê, ngoài cho vay trồng và chăm sóc ngành ngân hàng sẽ cho vay để chế biến sâu và tái canh các vườn cà phê già cỗi.

Đặc biệt, tiếp tục cân đối nguồn vốn để đầu tư cho vay các công trình trọng điểm, dự án lớn có sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ trong vùng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ngoài ra, tổ chức thường xuyên đối thoại cởi mở - hợp tác vững bền với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ, khơi thông dòng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh... Cùng với đó, các doang nghiệp trong khu vực cần nâng cao năng lực quản lý điều hành; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tăng dần vốn chủ sở hữu. Thực hiện minh bạch hoá tài chính. Chủ động điều chỉnh lại phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo tính khả thi cao; tiết giảm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch chi tiết sử dụng nguồn vốn vay....

Cùng với đó, mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất đồng bào các dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao mức sống của người dân và xóa nghèo bền vững.

NHNN khẳng định, cho vay phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội gắn liền với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tây Nguyên, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực