Nghĩa vụ và quyền tự do thông tin của doanh nghiệp

Thứ năm, 21/07/2011 16:18

 

 Ảnh minh họa ( Nguồn; ĐTCK)

Tham gia thị trường chứng khoán (TTCK), doanh nghiệp (DN) có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định về chứng khoán, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thông tin của DN đều buộc phải báo cáo, buộc phải công bố (đồng thời) qua kênh của Ủy ban Chứng khoán (UBCK), của Sở giao dịch chứng khoán.

Sáng 20/7/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội thảo xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK. Dự thảo Thông tư này đã sửa và quy định thêm nhiều điểm mới về mặt kỹ thuật theo hướng gắn chặt hơn nữa trách nhiệm công bố thông tin định kỳ và bất thường của DN, nhất là DN quy mô lớn ra công chúng.

Liên quan đến DN đại chúng, đặc biệt là DN niêm yết, điều mà DN vướng nhất là ranh giới giữa nghĩa vụ công bố thông tin và quyền tự do thông tin của DN. Nguyên nhân của vướng mắc này là ở chỗ, tại Thông tư 09 có một số quy định rất cảm tính.

Cụ thể, ngay trong quy định đầu tiên về yêu cầu thực hiện công bố thông tin, Thông tư 09 đã viết rằng: "Trường hợp có bất kỳ thông tin nào làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán thì người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền phải xác nhận hoặc đính chính thông tin đó trong vòng 24h kể từ khi nhận được thông tin hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý". Tiếp đó: "Việc công bố thông tin phải được thực hiện đồng thời với việc báo cáo UBCK, Sở GDCK về nội dung thông tin công bố" và "công ty đại chúng phải công bố thông tin trong thời hạn 24h kể từ khi nhận được yêu cầu của UBCK, Sở GDCK khi có thông tin liên quan đến công ty đại chúng ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán và cần xác nhận thông tin đó"...

Vậy thế nào là "thông tin có ảnh hưởng đến giá chứng khoán"? TTCK bản chất là thị trường thông tin, mọi thông tin đều có ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Nhiều DN niêm yết chia sẻ rằng, họ rất bối rối, không rõ đâu là những thông tin DN buộc phải công bố theo quy định pháp luật, đâu là những thông tin DN được tự do truyền thông, không phải báo cáo hay giải trình với cơ quan quản lý.

Thực tế, đã không ít lần DN bị nhận công văn nhắc nhở từ Sở GDCK về việc trao đổi thông tin cho báo chí, mà không báo cáo cơ quan quản lý. Theo quy định, các DN niêm yết phải công bố báo cáo tài chính hàng quý trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Đây là loại thông tin định kỳ, là nghĩa vụ bắt buộc, là thông điệp chính thức về kết quả kinh doanh trong kỳ của DN. Nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ này, DN bị phạt là đương nhiên. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu trước khi DN công bố BCTC chính thức, báo chí khai thác và truyền thông về con số dự kiến, ước đoán, tạm tính về kết quả kinh doanh của DN theo quý hoặc theo tháng, thì khi DN chia sẻ thông tin này, DN có nghĩa vụ phải báo cáo Sở GDCK, UBCK hay không? Trong một số trường hợp, Sở GDCK đã "bắt lỗi" DN khi đọc thấy thông tin về dự tính kết quả kinh doanh của DN trên báo chí và đã buộc DN phải giải trình, phải công bố lại thông tin qua Sở. Có DN khi nhận công văn "bắt lỗi" của Sở đã hoảng quá, đổ thừa cho báo chí tự bịa thông tin, có DN bình tĩnh hơn thì tỏ ra bức xúc với cách quản lý thông tin của Sở, bởi về khía cạnh nào đó, DN đã bị mất quyền tự do thông tin với cách hành xử này.

Tham gia TTCK, DN có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định về chứng khoán, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thông tin của DN đều buộc phải báo cáo, buộc phải công bố (đồng thời) qua kênh của UBCK, của Sở GDCK. Thực tế, bên cạnh mảng thông tin qua các kênh trên TTCK, còn có kênh thông tin trực tiếp từ DN và kênh thông tin báo chí. Sẽ là tốt hơn cho sự minh bạch và giảm bớt khả năng trục lợi, giao dịch nội gián nếu cơ quan quản lý TTCK khuyến khích các DN tích cực công bố thông tin qua cả 3 kênh này. Thông tư sửa đổi Thông tư 09 nên làm rõ hơn những điểm đang có ảnh hưởng (vô tình hay hữu ý) đến cách hiểu về quyền tự do thông tin của DN. Thông tư này nên có một quy định rõ rằng, ngoài 3 nghĩa vụ công bố thông tin của DN khi tham gia TTCK (thông tin định kỳ, thông tin bất thường và thông tin theo yêu cầu), các DN được quyền tự do thông tin và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật (Luật Báo chí, Luật Dân sự…) về các thông tin mình công bố.

Một góp ý nhỏ khác liên quan đến việc thực hiện báo cáo thường niên (BCTN). Thực tế từ Cuộc bình chọn BCTN cho thấy, 1/3 thậm chí 1/2 số trang trên BCTN của DN là để đăng tải nguyên văn báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, thuyết minh báo cáo tài chính, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và báo cáo kiểm toán) của DN. Khối lượng thông tin này quá nhiều, quá nặng nề, trong khi đã được DN công bố trước đó (báo cáo tài chính năm công bố trước BCTN 20 ngày). Khi BCTN được làm càng nhiều trang, chi phí mà DN trả cho công tác in ấn càng lớn, tính phổ cập bản báo cáo sẽ càng thấp. Vì thế, trong lần sửa Thông tư 09 này, UBCK nên giản lược việc đăng lại toàn văn báo cáo tài chính trên BCTN của DN và nên khuyến khích các DN phát triển các phiên bản báo cáo điện tử, theo xu hướng bản in của báo cáo công ty sẽ ngày càng ngắn và cô đọng, còn thông tin dành cho nhà đầu tư trên website của DN ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Về trách nhiệm công bố thông tin của công ty đại chúng quy mô lớn (vốn điều lệ 120 tỷ đồng và có từ 300 cổ đông trở lên), đây là một quy định hoàn toàn mới. Tuy nhiên, việc dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 09 buộc các DN loại này phải lập và công bố báo cáo tài chính năm bằng 2 thứ tiếng (Việt và Anh) có lẽ chưa phù hợp vào thời điểm này. Hiện tại, riêng trên TTCK, có tới 299 DN niêm yết thỏa mãn tiêu chuẩn là công ty đại chúng quy mô lớn, nhưng trừ một số DN được nhà đầu tư ngoại ưa thích, còn lại số cổ đông ngoại trong các DN quy mô lớn là không có hoặc rất ít. Việc buộc các DN quy mô lớn lập và công bố báo cáo tài chính bằng cả tiếng Anh nên ở mức khuyến khích, chưa nên quy định như một nghĩa vụ bắt buộc khi mà công tác công bố thông tin bằng tiếng Việt của nhiều DN vẫn còn chưa chuyên nghiệp, còn cẩu thả hoặc thường xuyên chậm trễ so với quy định./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực