Siết chặt xuất khẩu vàng trang sức, có khả thi?

Thứ năm, 28/07/2011 15:44

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

Thời gian qua, tận dụng cơ hội giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhiều DN đã đẩy mạnh xuất khẩu kim loại quý này dưới hình thức vàng nữ trang. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD. Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, việc xuất khẩu vàng đã góp phần làm giảm tỷ lệ nhập siêu và cung ứng một lượng ngoại tệ lớn, làm giảm bớt áp lực về tỷ giá.

"Việc tăng dự trữ ngoại hối và tỷ giá khá ổn định trong thời gian qua có một phần đóng góp không nhỏ của việc xuất khẩu vàng trang sức", ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam nhận định.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu vàng trang sức còn hút được một lượng vàng khá lớn của dân chuyển thành ngoại tệ. Điều này đã góp phần giải phóng nguồn lực bằng vàng trong dân và hạn chế tình trạng "vàng hóa" của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cuối tuần trước, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã nhận được công văn của Bộ Tài chính đề nghị đóng góp ý kiến về nội dung dự thảo sửa đổi Thông tư số 184/2010/TT-BTC về thuế xuất khẩu vàng. Cụ thể, Thông tư điều chỉnh giảm hàm lượng từ 99% vàng của các sản phẩm đồ kim hoàn, đồ mỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 10% theo quy định trước đó, xuống hàm lượng 80% trở lên để ép vàng trang sức vào diện chịu thuế xuất khẩu. Tức là đồ trang sức có hàm lượng vàng từ 80% trở lên đều phải chịu thuế xuất khẩu, thay vì chỉ từ 99% trở lên mới phải chịu thuế. Các DN kinh doanh xuất nhập khẩu vàng cũng nhận được công văn với nội dung tương tự từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, quy định trên không hợp lý và gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là từ chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn nhiều điểm bất cập và sự phối hợp giữa các bộ, ngành không đồng bộ.

Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB phân tích, khi ban hành Thông tư 184, Bộ Tài chính nhắm tới chủ trương hạn chế xuất khẩu vàng, tức là muốn giữ vàng lại, mà muốn giữ vàng cần phải chuẩn bị một cơ chế sử dụng vàng. Tuy nhiên, Thông tư 11/2011/TT-NHNN của NHNN lại quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng tại các ngân hàng. Hai văn bản pháp lý này kết hợp lại vẫn chưa xác định được sẽ làm gì với số vàng dự trữ còn lớn trong dân.

"Việc sửa đổi Thông tư 184 theo hướng hạ tỷ lệ vàng trong sản phẩm vàng trang sức xuống dưới 80% để hưởng thuế suất 0% vẫn chưa giải quyết được vấn đề", ông Khanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, với yêu cầu các sản phẩm trang sức mỹ nghệ khi xuất khẩu nếu muốn được hưởng thuế suất 0% thì phải có hàm lượng vàng dưới 80%, DN đã phải tăng chi phí gia công gấp hàng chục lần và có độ hao phí vàng rất lớn. Đặc biệt, nếu chênh lệch giá xuất khẩu không đủ để trang trải chi phí, thì việc xuất khẩu qua đường chính ngạch sẽ không thực hiện được và tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu vàng lậu diễn ra.

Do đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI kiến nghị, tạm thời không điều chỉnh hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức đã quy định tại Thông tư 184. Sau khi Nghị định về quản lý thị trường vàng được chính thức ban hành, Bộ Tài chính cần phối hợp với các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý) để ban hành các quy định phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh vàng ở Việt Nam và thông lệ quốc tế./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực