Tăng cường và nêu cao trách nhiệm của cơ quan giám sát tài chính quốc gia

Thứ tư, 13/02/2013 10:50

 

 TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát
 tài chính quốc gia (Ảnh: HNV)

(ĐCSVN) – Khép lại năm 2012, mở ra năm 2013 cũng là thời điểm đánh dấu chặng đường 5 năm xây dựng và hoạt động của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. 5 năm qua, Ủy ban đã chịu trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính.

Ngày 3/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Tiếp theo đó, ngày 18/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 79/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Theo đó, Ủy ban hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá về hoạt động của Ủy ban sau 5 năm hình thành và phát triển, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định: Ra đời và hoạt động trong điều kiện rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, về nguồn nhân lực cộng với mô hình hoạt động của Ủy ban còn mới và hoạt động giám sát tài chính của Việt Nam còn rất non trẻ, Ủy ban đồng thời vừa làm vừa nghiên cứu, tìm tòi phương thức phân tích đánh giá rủi ro. Nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã tích cực, chủ động triển khai các mặt hoạt động, xây dựng bộ máy tổ chức quản lý, quy chế hoạt động, cơ sở dữ liệu, tiêu chí đánh giá, phương pháp nhận dạng và đo lường rủi ro trên thị trường tài chính. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Ủy ban đã đi vào hoạt động và đến nay đã xây dựng được nền tảng ban đầu khá ổn định để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

5 năm qua, Ủy ban đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ), đưa ra các dự báo làm cơ sở để xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các phản ứng chính sách. Đáng chú ý, đã tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý những tình huống phát sinh như báo cáo về tình hình thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tình hình tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường,..; xây dựng báo cáo chuyên đề và đề xuất khuyến nghị chính sách cho Chính phủ về triển khai gói kích thích kinh tế (lần 1 và 2); đề xuất các giải pháp chống đô la hóa trong nền kinh tế; đánh giá về nợ công, những tác động tới thị trường tài chính Việt Nam và những khuyến nghị chính sách; đánh giá những tác động của thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường bất động sản đối với thị trường tài chính Việt Nam và những khuyến nghị chính sách; triển vọng kinh tế thế giới, những chính sách ứng phó của Việt Nam (10/2011); tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, kinh nghiệm quốc tế, hàm ý chính sách cho Việt Nam; phát triển thị trường vốn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam; tái cấu trúc hệ thống giám sát tài chính – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, phân tích, đánh giá khó khăn của doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh (9/2012); báo cáo phân tích lạm phát của Việt Nam và giải pháp kiểm soát lạm phát (10/2011)...

Trong bối cảnh hệ thống tài chính Việt Nam ngày càng hội nhập với khu vực và thế giới, Ủy ban đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác về nhiều mặt với các tổ chức quốc tế và các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính các nước thông qua Đại sứ quán của nhiều nước ở Việt Nam. Ủy ban làm đầu mối cùng các Bộ, ngành tổ chức thành công nhiều chương trình nghiên cứu khảo sát nước ngoài. Đây là kênh quan trọng để Ủy ban chủ động, kịp thời tiếp cận các thông tin về công cuộc cải cách kinh tế và các chính sách kinh tế của các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm thế giới và rút ra các bài học thực tiễn cho Việt Nam trong giám sát thị trường tài chính.

Những thông tin mà Ủy ban đưa ra công chúng đã góp phần giải tỏa được phần nào tâm lý, kỳ vọng lệch lạc của dân chúng đối với thị trường tài chính, giúp thị trường tài chính hoạt động ổn định hơn. Đồng thời, giúp công chúng nắm vững và hiểu rõ hơn chính sách của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, qua các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế cũng như các kiến nghị chính sách gửi tới Chính phủ, thị trường hiểu được rằng Chính phủ nhận được nhiều nguồn thông tin và khuyến nghị chính sách trước khi quyết định giải pháp và ban hành chính sách.

Những đóng góp tích cực, kịp thời của Ủy ban trong thời gian qua đã khẳng định và chứng minh việc thành lập Ủy ban là đúng đắn. Bước vào xuân mới Quý Tỵ 2013, hòa vào không khí náo nức đón chào năm mới của cả nước, cùng với Chính phủ, Ủy ban cũng đã và đang nỗ lực tích cực phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và xung kích, làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực