Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ: Chưa đủ liều lượng!

Thứ năm, 01/09/2011 16:21

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng thêm 1% kể từ kỳ duy trì DTBB tháng 9/2011. Lý do mà cơ quan này đưa ra là để hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Như vậy, kể từ kỳ duy trì DTBB tháng 9, tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ sẽ là 8% thay vì mức 7% như trước đây và 6% đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác xã, tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 7% và 5% đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên.

Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank nhận định, tăng tỷ lệ DTBB ngoại tệ sẽ làm tăng chi phí vốn ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, buộc các đơn vị này phải đẩy cao lãi suất cho vay ngoại tệ để bù đắp. Cùng với việc giảm lãi suất cho vay VND, chênh lệch lãi suất cho vay giữa USD và VND sẽ thu hẹp. Qua đó giảm nhu cầu vay ngoại tệ, bởi khi chênh lệch lãi suất vay vốn giữa USD và VND không lớn, DN sẽ chuyển sang vay VND do lo ngại rủi ro tỷ giá.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GP.Bank phân tích, tăng tỷ lệ DTBB sẽ ảnh hưởng trực tiếp làm tăng chi phí vốn của ngân hàng khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc. Một là giảm lãi suất huy động, hai là đẩy cao lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hiện lãi suất huy động USD vốn đã rất thấp, nếu giảm tiếp e rằng không hấp dẫn người dân gửi ngoại tệ. Do vậy, việc tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù đắp cho phần vốn huy động phải DTBB sẽ được các ngân hàng tính đến.

Một lãnh đạo cao cấp của VietBank cũng cho rằng, hiện lãi suất cho vay VND vẫn nằm trong khoảng 21 - 22%/năm, trong khi lãi suất cho vay ngoại tệ 7 - 8%/năm, chênh lệch lãi suất lên tới 12% khiến DN có xu hướng chuyển sang vay ngoại tệ. Thế nhưng, do chênh lệch lãi suất huy động VND và USD cũng rất lớn nên người dân có xu hướng chuyển sang nắm giữ VND để gửi tiết kiệm. Đó là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ tính đến tháng 7 đã lên tới trên 150.000 tỷ đồng, tương đương 7,3 tỷ USD. Cụ thể, huy động quy đổi vào khoảng 460.000 tỷ đồng và cho vay là 610.000 tỷ đồng. Điều này nếu kéo dài có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản ngoại tệ.

Hơn thế, tín dụng ngoại tệ tăng cao còn gây nhiều sức ép đến tỷ giá, đến sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối khi các khoản vay đến kỳ đáo hạn. Bởi vậy, theo ông Thắm cũng như nhiều lãnh đạo ngân hàng khác, tăng tỷ lệ DTBB ngoại tệ là đúng; mức tăng 1% cũng là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bởi trước mắt Ngân hàng Nhà nước nên thận trọng và từng bước điều chỉnh tỷ lệ DTBB ngoại tệ để không gây sốc trên thị trường. Về lâu dài, khi lãi suất tiền đồng giảm mạnh thì cần cân nhắc lại về tỷ lệ DTBB này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngân hàng lại cho rằng, mức tăng 1% là chưa phù hợp với thị trường hiện nay. Một chuyên gia tính toán, chênh lệch lạm phát cơ bản giữa Việt Nam và Mỹ vào khoảng 8%. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa cho vay bằng VND và bằng ngoại tệ cũng chỉ nên ở mức 8%. Nói cách khác, nếu chưa hạ được lãi suất cho vay VND thì lãi suất cho vay ngoại tệ phải khoảng 10% mới hợp lý.

Một ý kiến khác cho rằng, nếu cơ quan điều hành muốn có những tác động tức thời, hiệu quả thì nên tăng DTBB lên mức 10%. Ví dụ, nếu lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện là 2%/năm và DTBB tăng lên mức 10% thì lãi suất huy động thực tế mà các ngân hàng phải trả khoảng 2,2%. Như vậy, để bù đắp chi phí hoạt động, các ngân hàng cộng thêm khoảng 5% thì lãi suất cho vay ngoại tệ vào sẽ vào khoảng 7,5 - 8,5%/năm. “Với mức lãi suất này cộng với rủi ro tăng tỷ giá, chắc chắn các DN sẽ phải rất cân nhắc khi vay”, vị chuyên gia trên nói.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đều chung nhận định, việc tăng DTBB lên 9 hay 10% là động thái kỹ thuật, nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước. Hiện cơ quan này chưa đưa tỷ lệ DTBB ngoại tệ lên tới 10% có thể do cân nhắc việc thiếu thanh khoản đột ngột trên thị trường. Nhưng động thái đưa tỷ lệ DTBB lên 8% thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiềm chế tín dụng ngoại tệ đang nóng dần lên. Rõ ràng, mức tăng 1% DTBB là chưa đủ, nhưng việc tăng tiếp là điều có thể dự đoán được trong thời gian tới nếu tín dụng ngoại tệ vẫn tiếp tục nóng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực