Tháng 9, lãi suất có giảm?

Thứ ba, 23/08/2011 16:16

(ĐCSVN) - Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến tháng 9, không ít doanh nghiệp đã và đang trông chờ vào thông điệp giảm lãi suất mà tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đưa ra. Cụ thể, lãi suất cho vay sẽ giảm về mức khoảng 17% - 19%/năm trong tháng 9 tới.

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn: hanoimoi.com.vn 

Giảm lãi suất là vấn đề được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Ông đã khẳng định sẽ dần tháo gỡ các biện pháp hành chính kể cả trần lãi suất và sửa đổi hàng loạt quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết: Thông điệp của NHNN là từ cuối tháng 9 trở đi lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ ở mức 17-19%/năm. Nói như vậy không phải hô khẩu hiệu, mà nói là làm. Cái gì làm được thì phải khẳng định làm được. Cái gì chưa làm được thì tìm biện pháp giải quyết, chứ không thể nói mà không làm.

Cũng theo ông Bình, phân tích dữ liệu và thực trạng trong toàn hệ thống ngân hàng, đến nay Việt Nam không thiếu vốn. Cụ thể là lãi suất tiền đồng thị trường liên ngân hàng đã ổn định ba tháng nay. Hiện, dao động từ 12-15%/năm tùy kỳ hạn. Lãi suất qua đêm gần đây thậm chí có thời điểm dưới 10%/năm. Có thể thấy mức lãi suất liên ngân hàng như thế là hơi thấp.

Cùng với lãi suất ổn định, tính thanh khoản ngân hàng cũng được cải thiện, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, vừa qua, Việt Nam mua vào một lượng ngoại tệ khá lớn và đẩy vào lưu thông một lượng tiền đồng cũng tương đối lớn. Để cân bằng NHNN đã hút về một lượng tương ứng qua thị trường mở. So sánh giữa lượng tiền hút vào - bơm ra, phần bơm ra vẫn nhiều hơn. Nhờ đó, thanh khoản ngân hàng được cải thiện. Phải thấy lượng tiền mà NHNN tung ra mua ngoại tệ là tiền không kỳ hạn, nó khác tái cấp vốn, vì tái cấp vốn còn có thời hạn thu về. Từ đây vốn cho nền kinh tế đã tăng lên đáng kể.

Ông Bình cũng chỉ ra rằng, khi không cần nâng lãi suất đầu vào để huy động vốn bằng mọi giá, cớ gì ngân hàng cho vay lãi suất cao? Mối quan tâm của tổ chức tín dụng không phải mặt bằng lãi suất cao thấp, mà là chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra. Theo tính toán của NHNN trong nhiều năm qua, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay ở mức 2,5-3%/năm là thích hợp. Huy động 14%/năm, cho vay 17-19%/năm hoàn toàn nằm trong khả năng của tổ chức tín dụng. Đây là lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, còn cho vay các loại hình dịch vụ khác thuộc phạm vi thỏa thuận giữa người vay và bên cho vay, nó có thể cao hơn. Nếu cứ để lãi suất cao, các ngân hàng cũng không thể cho vay ra được.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, trong tháng 9 tới đây, lãi suất nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh giảm. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng hai yếu tố cấu thành hệ thống lãi suất thị trường là lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu chính phủ đều giảm mạnh. Lãi suất liên ngân hàng giảm từ trên 20%/năm xuống còn 12-13%/năm và giữ ổn định trong thời gian tương đối lâu. Lãi suất trái phiếu chính phủ cũng đã giảm từ trên 14%/năm xuống còn xấp xỉ 12%/năm chứng tỏ thanh khoản ngân hàng thương mại đã được cải thiện đáng kể và là tiền đề giảm lãi suất. Lạm phát những tháng gần đây cũng chỉ còn xấp xỉ 1%.

Vì vậy, nếu NHNN làm tốt công cụ kiểm soát và giữ ổn định thị trường liên ngân hàng sẽ là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất tín dụng và đến tháng 9/2011 dấu hiệu giảm lãi suất sẽ rõ nét hơn.

Thực tế, việc giảm lãi suất là đòi hỏi thực tiễn của nền kinh tế và nó phù hợp, xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp, của tổ chức tín dụng, của người dân. Không chỉ hé mở về việc giảm lãi suất trong tháng 9 tới, NHNN cũng hé mở một số khả năng điều chỉnh chính sách. Cụ thể, đó là khả năng sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để hút tiền về trước áp lực lạm phát cuối năm. Cùng với đó có thể sẽ xem xét lại cơ chế hoạt động của thị trường liên ngân hàng so cho hợp lý hơn. Ngoài ra, cơ chế trần lãi suất huy động VND hiện nay cũng có thể có thay đổi. Đặc biệt, giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% có thể sẽ điều chỉnh thay vì cào bằng cho tất cả các ngân hàng như hiện nay.

Như vậy, những nỗ lực của NHNN là vì lợi ích của toàn xã hội, mong rằng, những điều chỉnh mới trong chính sách tiền tệ sẽ sớm được Ngân hàng Nhà nước thực thi, góp phần đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho tổ chức tín dụng và cho mọi người dân.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực