Thị trường chứng khoán và nỗi lo thanh khoản

Thứ hai, 15/08/2011 16:06

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐTCK)

Giá cổ phiếu giảm chưa phải là điều đáng lo ngại nhất, mất thanh khoản mới là câu chuyện nghiêm trọng nhất tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM cho thấy một thông điệp đáng chú ý: tính đến 15/7/2011, khối lượng giao dịch chứng khoán bình quân tại HOSE giảm 30%, từ mức 47,4 triệu cổ phiếu/phiên năm 2010, xuống 31,4 triệu cổ phiếu/phiên.

Về giá trị giao dịch, mức độ sụt giảm còn nặng nề hơn, đến trên 50%, từ mức 1.500 tỷ đồng/phiên bình quân của năm 2010, xuống còn 700 tỷ đồng/phiên tính bình quân kể từ đầu năm 2011.

Thanh khoản của TTCK giảm rất mạnh và theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI thì giá cổ phiếu giảm chưa phải là điều đáng lo ngại nhất, mất thanh khoản mới là câu chuyện nghiêm trọng nhất của TTCK Việt Nam.

Cũng theo ông Hưng, yếu tố quan trọng nhất để TTCK phục hồi là thanh khoản phải được cải thiện. Đây cũng là một chỉ báo về sức khỏe thị trường và sự hấp dẫn của dòng chảy vốn vào TTCK Việt Nam.

Trong quan điểm của ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực HĐQT HOSE thì để TTCK tăng thanh khoản, việc đầu tiên là về nhận thức cần thấu hiểu rằng, thanh khoản là yếu tố quan trọng số 1 trên thị trường giao dịch (thị trường thứ cấp).

Thực tế, các hoạt động mở rộng, sáp nhập, hợp nhất các Sở GDCK trên thế giới cũng chính là vì mục tiêu này. Đây là mục tiêu gốc, mục tiêu tối thượng và phía sau đó là những mục tiêu đệm, như tăng quy mô, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện hệ thống công nghệ, tăng thời gian giao dịch.

Ở Việt Nam, trong các văn bản pháp quy điều chỉnh, định hướng hoạt động của TTCK, yếu tố thanh khoản nếu có cũng chỉ được đề cập rất mờ nhạt và chưa bao giờ được coi là mục tiêu số 1 của thị trường thứ cấp. Thực tế, quá nhiều sự bó buộc trong giao dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thanh khoản như những quy định hạn chế quyền mở tài khoản, quyền mua bán cùng phiên, sự phức tạp trong hồ sơ xin trading code (với nhà đầu tư nước ngoài)… đã được nhà đầu tư trong và ngoài nước phản ánh rất nhiều, nhưng nay cũng mới chỉ gỡ rối được một phần nhỏ.

Bên cạnh đó, chi phí giao dịch trên TTCK Việt Nam hiện quá cao so với các thị trường trong khu vực cũng là một hạn chế lớn để người có tiền rót vốn vào chứng khoán Việt Nam. Theo ông Trà, thống kê của HOSE từng cho thấy, chi phí giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đắt hơn 5 lần tại Thái Lan và hơn đến 10 lần tại Malaysia. Chi phí giao dịch ở đây không chỉ có phí môi giới, đó là tổng thể những chi phí về thời gian, tiền bạc, công sức mà người có tiền phải bỏ ra để thực hiện một quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Muốn tăng tính thanh khoản, ngoài việc nội lực thị trường phải có một hệ thống công nghệ đủ mạnh, thì việc giảm chi phí giao dịch là yêu cầu đầu tiên. Tuy nhiên, tăng thanh khoản và giảm chi phí giao dịch là 2 yếu tố của một chu trình khép kín: nếu thanh khoản tăng sẽ giảm được chi phí giao dịch và nếu chi phí giao dịch giảm sẽ là động lực thiết thực để thanh khoản tăng. Như vậy, về thanh khoản, TTCK Việt Nam đang trong vòng luẩn quẩn của khó khăn.

Theo ông Trà, việc HOSE đang chuẩn bị những điều kiện hạ tầng để kéo dài thời gian giao dịch đến 14h30, dự kiến bắt đầu từ tháng 2/2012 là một hành động, nhưng rất nhỏ, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Còn rất nhiều việc khác mà thị trường cần làm để cải thiện tính thanh khoản, mà một trong những việc cần làm sớm là nâng cấp chất lượng hàng hóa và phân loại hàng hóa được giao dịch. Hiện nay, tiêu chuẩn hàng hóa tuy có sự khác biệt giữa 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM), nhưng chất lượng chứng khoán thực tế tại các sàn này lại rất lẫn lộn. Nhà đầu tư vì thế luôn phải mất rất nhiều thời gian và công sức để chọn lựa cổ phiếu đầu tư.

Bên cạnh đó, 11 năm qua, TTCK Việt Nam mới chỉ có tiêu chuẩn đầu vào hàng hóa lên sàn, còn thiếu hoàn toàn tiêu chuẩn cổ phiếu được duy trì niêm yết. Nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi được niêm yết đã không mấy quan tâm đến các yếu tố đảm bảo chất lượng giao dịch cổ phiếu (như tính minh bạch, quy chuẩn quản trị, hiệu quả hoạt động…), vì điều kiện để bị hủy niêm yết tại Việt Nam chỉ là DN có 3 năm lỗ liên tục. Trong khi đó, điều kiện để các DN được duy trì niêm yết trên các TTCK lớn luôn có yêu cầu về tính thanh khoản của cổ phiếu.

Cải thiện thanh khoản đang là một yêu cầu bức bách, một câu hỏi lớn nếu TTCK Việt Nam muốn phục hồi và cạnh tranh được trong thu hút vốn với các TTCK khác. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, ai làm, bao giờ làm? Đó là những câu hỏi mà bản thân mỗi thành viên thị trường không tự trả lời được. Thị trường đang cần một tổng chỉ huy đủ tầm thấu hiểu bản chất vấn đề và đủ sức giải quyết các câu hỏi trên./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực