Tìm lời giải bài toán khó “thừa tiền, thiếu vốn”

Thứ sáu, 25/10/2013 19:50

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, đang tồn tại một nghịch lý về tiền vốn, đó là ngân hàng thì thừa tiền, doanh nghiệp thì thiếu vốn. Thực tế cũng cho thấy, dù liên tục giảm lãi suất huy động vốn nhưng dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng nhanh, trong khi vốn cho vay tăng trưởng rất thấp.

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và nhiệm vụ 2014 – 2015 (gọi chung là Báo cáo của Chính phủ) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sáng 21/10 nêu rõ: Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh. Tính theo lãi suất năm, mặt bằng lãi suất huy động giảm 7 - 10 %, lãi suất cho vay giảm 9 - 12 %; riêng 9 tháng năm 2013 lãi suất huy động giảm 2 - 3 %, cho vay giảm 3 - 5 %. Mặt bằng lãi suất cho vay đã trở về mức của giai đoạn 2005 - 2006. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 9%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là 9 - 11,5%/năm; một số doanh nghiệp tình hình tài chính lành mạnh được vay với lãi suất 6,5 - 7%/năm.

Cũng theo Báo cáo này, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 8/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 9 tháng 2013 tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã lo ngại khi dòng tiền vào nền kinh tế đang mất cân đối, hấp thụ vốn rất kém, trong khi các doanh nghiệp hoạt động dựa vào vốn ngân hàng là chủ yếu. Còn theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, huy động vốn vẫn hơn 5% mà cho vay chỉ tăng hơn 1% thì “quá là báo động rồi” và “vốn ứ đọng như vậy là sản xuất đình đốn, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn thì không giải quyết được vấn đề gì...”.

 

Vẫn còn nghịch lý thừa tiền thiếu vốn (Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn)


Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn chưa tiếp cận được các khoản vay với lãi suất thấp. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, họ muốn vay mới để đầu tư sản xuất nhưng do còn có những khoản nợ cũ chưa trả được nên ngân hàng không cho vay. Lãnh đạo một số ngân hàng thì cho rằng, lãi suất đã giảm, nhưng tâm lý doanh nghiệp còn chờ đợi sẽ giảm tiếp nên chưa muốn vay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho vốn trong hệ thống ngân hàng có trạng thái dư thừa. Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời điểm hiện nay vấn đề làm doanh nghiệp lo lắng là tồn kho lớn, hàng hóa không bán được dẫn đến doanh nghiệp không tha thiết vay. Bản thân Hiệp hội đã giới thiệu nhiều doanh nghiệp đến các ngân hàng thương mại xin vay vốn nhưng đều bị từ chối vì khả năng trả nợ chưa cao, điều kiện cho vay vẫn như cũ, trong khi tài sản đã thế chấp hết cho các khoản nợ cũ nay không thể dùng để thế chấp tiếp.

Báo cáo doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 của Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, mặc dù thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp huy động vốn, áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp nhằm khơi thông dòng vốn nhưng dòng vốn tín dụng vẫn chưa được khơi thông. Chủ yếu do các hợp đồng vay vốn doanh nghiệp đã ký trước đây có mức lãi suất cao, mức 9% năm hiện nay chỉ áp dụng cho các khoản vay mới nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được, do nợ cũ chưa trả được nên ngân hàng không cho vay tiếp. Chưa kể lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn còn cao và khó tiếp cận hơn nữa.

Kiến nghị của cử tri do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp gửi tới Quốc hội lần này cũng ghi nhận rằng: Lãi suất cho vay của ngân hàng có giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay; từ đầu năm 2013 đến nay, đã có hàng nghìn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến số người mất việc làm tiếp tục gia tăng.

Rõ ràng, lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm nhưng tiền vốn huy động tại các ngân hàng vẫn tăng nhanh, trong khi lượng tiền cho doanh nghiệp vay lại tăng trưởng rất thấp.

Giải pháp nào cho điệp khúc " thừa tiền, thiếu vốn"

Theo một cán bộ quản lý của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang vật lộn tìm đầu ra và hạn chế vay vốn ngân hàng. Với thực tế này, việc mở rộng tín dụng là vô cùng khó khăn. Do đó, để giải “bài toán” này, trước hết phải làm cho tổng cầu nhích lên, bởi lẽ, khi cầu nền kinh tế chưa có lối thoát, tồn kho xi măng, sắt thép tới 30% - 40% thì chẳng doanh nghiệp nào vay, mặc dù lãi suất có thể giảm thêm 1% - 2%/năm.

Đáng chú ý, theo nhiều chuyên gia, việc cấp bách hiện nay là phải giải quyết nợ xấu. Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế”.

Việc thành lập và bước đầu đi vào hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua bán nợ xấu được kỳ vọng sẽ giải quyết được hiệu quả thực trạng nợ xấu hiện nay bởi VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước. Về cơ chế xử lý nợ, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng. TCTD bán nợ cho VAMC có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Thông qua việc mua và xử lý nợ xấu, VAMC cung cấp các giải pháp để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC như: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành. Như vậy, bài toán giải quyết nợ xấu đã có lời giải. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước, muốn tín dụng tăng thì hãy đi từ nguyên nhân gốc của vấn đề, đó là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thực. Vì thế, trước hết, cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp về công nghệ, quản trị, nhân lực và động lực kinh doanh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, muốn giải quyết được bài toán “thừa tiền, thiếu vốn”, không thể kỳ vọng trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trước hết doanh nghiệp phải quản trị được dòng tiền. Và để quản trị tốt dòng tiền, doanh nghiệp cần sử dụng vốn đảm bảo tính bền vững phát triển, không tìm lợi nhuận cao trong ngắn hạn mà làm giảm nguồn lực phát triển của doanh nghiệp.

Đánh giá lại khả năng trả nợ cũ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn đã được Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện. Theo đó, từng TCTD sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc miễn giảm lãi tính từ tháng 7/2012 cho đến tháng 6/2013. Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có 82.456 doanh nghiệp được hỗ trợ, trong đó có 6.166 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ với số tiền trên 108.700 tỉ đồng. Đó là tín hiệu khởi sắc khá lạc quan mà dư luận hy vọng sẽ được nhân rộng lên để từng bước khắc phục triệt để thực trạng “thừa tiền, thiếu vốn” như hiện nay, góp phần đảm bảo phát triển ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đề ra./.

 Lê Nguyễn

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực