Tỷ giá khó tăng đột biến

Thứ tư, 31/08/2011 16:34

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đầu tư)

Mặc dù có ý kiến cho rằng, không nên chủ quan với sức ép tỷ giá, song theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoàn toàn có cơ sở để đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm.

NHNN vừa quyết định tăng thêm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ. Theo đó, từ đầu tháng 9/2011, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (trừ Agribank), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Riêng Agribank, Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác, tỷ lệ này là 7%.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên đối với ngân hàng thuộc nhóm thứ nhất tăng từ 5% lên 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Còn với Agribank, Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 5%.

Quyết định trên sẽ khiến các nhà băng khó khăn hơn trong việc mở rộng tín dụng bằng USD, song có như thế mới dần hạn chế được tín dụng ngoại tệ, giảm áp lực lên cung USD và tỷ giá.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, mặt bằng lãi suất huy động đối với tiền gửi ngoại tệ 2%/năm không còn hấp dẫn đối với những người nắm giữ ngoại tệ, nên nhiều người chuyển vốn sang tiền đồng để gửi tiết kiệm, dẫn đến nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn. Theo ông Dương, từ giờ đến cuối năm, nếu tỷ giá có tăng thì cũng khó có thể tăng đột biến. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, cần nâng thêm dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi USD, đồng thời thực hiện ráo riết hơn các biện pháp chống tình trạng đô-la hóa để giảm áp lực lên cung ngoại tệ.

“Với quyết định nâng thêm 1% dự trữ bắt buộc ngoại tệ, các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay USD, từ đó làm giảm dư nợ tín dụng bằng USD, bớt áp lực cho tỷ giá. Tỷ giá sẽ khó tăng đột biến và áp lực lên tỷ giá trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2011 sẽ không đáng lo, nếu không có các biến động đột xuất xảy ra và lượng hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam không quá nhiều”, ông Dương nói.

Theo thông tin đưa ra từ NHNN, do giá vàng trong nước tăng mạnh trước biến động của giá thế giới, nên tỷ giá trên thị trường ngoại hối có dấu hiệu tăng nhẹ. Tuy nhiên, NHNN cho biết, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp ổn định thị trường vàng, NHNN đã thực hiện một số biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá, như điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong việc kiểm soát hoạt động mua - bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do để ổn định thị trường ngoại hối.

Quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm 2011 là ổn định tỷ giá; đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường.

NHNN cho biết, so sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VND và ngoại tệ cho thấy, ưu thế nghiêng hẳn về phía VND. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống. Mặc dù tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cao (tính đến ngày 15/8/2011, tăng khoảng 24%), nhưng qua phân tích của NHNN thì giữa nguồn và sử dụng nguồn của các tổ chức tín dụng sẽ vẫn có thặng dư từ 3 đến 5 tỷ USD từ nay đến cuối năm 2011, thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng được đảm bảo.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện khá tốt, cung đủ đáp ứng cầu. “Từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn để chấn chỉnh thị trường ngoại tệ tự do, góp phần ổn định tỷ giá”, ông Minh cho biết./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực