Vàng trong nước đang có dấu hiệu bị làm giá

Thứ tư, 10/08/2011 17:11

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: vnexpress.net)

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vàng trong nước đang có dấu hiệu bị làm giá, đầu cơ và thao túng bởi một số tập đoàn tài chính và doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng để thoát lượng vàng đã gom nhưng chưa kịp xuất khẩu.

Vàng đang bị làm giá

Sự tăng giá đến chóng mặt của giá vàng 2 ngày vừa qua đã nhắc người ta nhớ về cơn sốt vàng vẻn vẹn một ngày vào cuối năm 2009. Lúc đó, người ta đã chen lấn xô đẩy, vội vàng rút hàng bọc tiền từ ngân hàng, chầu chực chỉ để mong lấy được một phiếu hẹn lấy vàng sau đó vài ngày, bất chấp giá trong nước lúc đó bất thường leo lên 38,5 triệu đồng/lượng rồi lùi về 37 triệu đồng/lượng sau vài phút.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng mạnh là theo đà tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói là mức tăng của giá vàng trong nước đã vượt xa mức tăng của giá vàng thế giới tới gần 3 triệu đồng/lượng (mức chênh lệch này sau đó thu hẹp dần với sự tăng giá của đồng USD trong nước). Theo các chuyên gia, ở đây có yếu tố đầu cơ, làm giá để trục lợi khiến giá vàng trong nước tăng bất thường.

Ông Nguyễn Công Danh, Tổng giám đốc CTCP Vàng châu Á cho biết, chuyện thị trường vàng bị thao túng là điều không phải bây giờ mới có. Những nhà kinh doanh vàng lớn nhất Việt Nam đều là những công ty có đủ khả năng để làm giá. Ví dụ như SJC hiện nay chiếm đến 60 - 70% thị phần, Phú Nhuận, Agribank đều là những DN có tiềm lực, có mạng lưới. Trong đó SJC có thị phần lớn nhất và các DN khác đều lấy giá của SJC làm cơ sở tham chiếu ấn định giá cho mình.

Còn theo nhận định của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cách đây 3 - 4 ngày, giá vàng trong nước tăng 14 lần liên tục trong một ngày, trong khi giá vàng thế giới chỉ lên một hoặc hai lần. Theo ông Kiêm, sự thao túng được thể hiện ở hai điểm là đi ngược giá thế giới hoặc có biên độ và cấp độ tăng vọt. Trong khi đó, thời điểm giá vàng trong nước tăng vọt lên hơn 46 triệu đồng/lượng, thì giá vàng thế giới cũng chỉ quanh mức 1.748 USD/ounce. “Tôi khẳng định là có sự thao túng của các DN kinh doanh”, ông Kiêm nói.

Theo ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, khi giá vàng tăng, một số tập đoàn tài chính và DN đã tung tiền ra thu gom vàng khiến vàng vật chất trở nên khan hiếm, vì thế giá tăng đột biến. Nhiều nhà đầu tư và DN vừa bán xong lại phải đổ tiền mua vào cao hơn mức giá mình đã bán. Điều này gây lãi giả, lỗ thực cho DN vàng, còn người dân phải mua vàng với giá quá cao, nhưng không phải giá trị thực. Tuy nhiên khi giá vàng giảm, họ cũng làm tương tự vậy, vội vã xả hàng nhằm chốt lời, khiến các DN cũng phải đua bán theo.

“Một số DN đã gom vàng với số lượng lớn nhưng không xuất đi được đã tung tin để mong bán vàng ra với giá cao. Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính nâng mức thuế từ 0% lên 10% cho vàng nữ trang có hàm lượng vàng trên 90% có hiệu lực từ ngày 6/8/2011 cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN có thể bị ứ hàng đã gom cho xuất khẩu. Nên việc tạo cơn sốt về nguồn cung trong nước sẽ là cú hích để họ tiêu thụ hàng. Do vậy, việc thao túng giá trên thị trường vàng của một số tập đoàn tài chính và DN được thực hiện ngấm ngầm một thời gian dài qua”, ông Châu lý giải và cho biết thêm, chiêu thao túng, làm giá của các tổ chức trên là thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và bán một cách không bình thường. Giá vàng đã chạm ngưỡng trên 46 triệu đồng nhưng một số tổ chức chỉ để chênh lệch giữa giá mua và bán 4 - 6 giá (tức chênh lệch chỉ 40.000 - 60.000 đồng một lượng). Những DN khác muốn cạnh tranh cũng buộc phải thu hẹp biên độ lại, khiến thiệt hại đáng kể.

Giải pháp chỉ là tình thế

Để bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân, sáng ngày 9/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước. Tuy nhiên, giá vàng trong nước sáng ngày cùng ngày lại tiếp tục “phi” lên mức đỉnh điểm 46,2 triệu đồng/lượng và chỉ hạ nhiệt dần vào cuối giờ sáng và đầu giờ chiều.

Nhiều chuyên gia kinh tế e ngại rằng, nếu cho nhập vàng thì khả năng nhập siêu sẽ tăng trở lại, đe dọa mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang theo đuổi. Bên cạnh đó, cứ mỗi lần giá vàng “nhảy múa” dường như cơ quan điều hành chính sách chỉ sử dụng phương thức cấp giấy phép nhập vàng để hạ nhiệt thị trường như một giải pháp tình thế mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào khác cho vấn đề này. Mặc dù xác định vàng bị đầu cơ, làm giá để trục lợi, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa “bắt tận tay” ai làm giá.

Cùng quan điểm trên, ông Cao sỹ Kiêm cho biết thêm, khi giải pháp mà NHNN đưa ra chỉ là tình thế, thì một nghịch lý tiếp tục xảy ra là giá vàng tăng cao kỷ lục cũng là lúc nhiều người dân xếp hàng mua vàng, còn các cửa hàng vàng lại “cháy” hàng. Trong cuộc chơi này, phần thua thiệt chắc chắn sẽ thuộc về những người đầu cơ theo tâm lý “bầy đàn”. /.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực