Việt Nam nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài chính công

Thứ ba, 23/08/2011 23:49

 

Ảnh minh hoạ (nguồn: aasc.com.vn)

(ĐCSVN) - Công khai minh bạch là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam nhằm tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính công.

Từ năm 1996, Luật Ngân sách nhà nước được ban hành, việc công khai ngân sách bước đầu đã phát huy được tác dụng; công tác kiểm tra nội bộ, cấp trên với cấp dưới được tăng cường và từng bước phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể, quần chúng nhân dân, người lao động, đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Đồng thời, đã tạo được kênh thông tin quan trọng phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, nghiên cứu về tài chính – ngân sách của các tổ chức, cá nhân, được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ.

Thời gian qua, việc công khai minh bạch ngân sách được thể hiện trên các phương diện như:

Về phân định rõ vai trò và quyền hạn: Luật Ngân sách nhà nước đã phân định rõ vai trò, quyền hạn giữa Quốc hội và HĐND các cấp; quy định rõ, công khai, minh bạch việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quy định rõ trách nhiệm và nâng cao quyền chủ động, trách nhiệm quản lý, sử dụng ngân sách của các bộ, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách.

Về công bố thông tin: Việc công bố công khai số liệu thu, chi ngân sách nhà nước ngày càng được tăng cường. Năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam công bố số liệu thu, chi ngân sách trong cuốn Niên giám thống kê do Tổng cục Thống kê phát hành hàng năm. Cũng trong năm 1998, Việt Nam lần đầu tiên đã công bố số liệu thu, chi ngân sách nhà nước của Việt Nam trong Niên giám Thống kê Tài chính Chính phủ của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ngoài việc quy định công bố công khai số liệu dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội và HĐND các cấp quyết định, phê chuẩn, còn mở rộng nội dung công khai ngân sách và kinh phí của các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí; công khai các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân; các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn ngân sách nhà nước; công khai các khoản hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các cá nhân, dân cư…

Việc công khai quy trình ngân sách, công khai dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách, công khai kết quả kiểm toán ngân sách hàng năm cũng được đẩy mạnh. Dự toán ngân sách được công khai từ các định hướng chính sách ngân sách của Nhà nước đối với năm lập dự toán ngân sách; công khai số liệu dự toán sau khi được Quốc hội và HĐND các cấp phê duyệt. Theo đó, hàng quý, Bộ Tài chính thực hiện công khai số liệu ngân sách nhà nước theo mẫu báo cáo thống kê tài chính Chính phủ. Số liệu về thực hiện ngân sách hàng năm được công khai 2 lần, lần thứ nhất vào thời điểm tháng 11 của năm đó và lần thứ 2 vào thời điểm tháng 5 của năm sau. Các số liệu quyết toán ngân sách và báo cáo kiểm toán cũng được công khai theo quy định. Từ năm 2006 đến nay, để tăng cường hơn nữa công tác công khai minh bạch trong quản lý tài chính công, hàng năm, Bộ Tài chính công khai Báo cáo đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước năm hiện hành và dự toán ngân sách nhà nước cho năm sau gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Để nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch ngân sách nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình ngân sách, nhất là các thủ tục nộp cũng như thanh toán ngân sách đơn giản hơn, rõ ràng, tránh chồng chéo, gắn quyền hạn với trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu được giao giải quyết công việc; xây dựng một hệ thống kế toán nhà nước hoàn chỉnh và sát với thông lệ quốc tế để sử dụng chung cho tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống phân loại ngân sách hiện hành phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm phục vụ tốt hơn trong tổ chức quản lý ngân sách như công tác công khai, minh bạch và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy chế công khai tài chính – ngân sách trong các tầng lớp nhân dân để người dân hiểu biết về tình hình công khai ở địa phương, từ đó thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát trong quá trình sử dụng ngân sách nhà nước…


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực