Ninh Thuận: Nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc

Thứ sáu, 30/08/2024 21:12
​(ĐCSVN) - Để tiếp tục duy trì việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có trách nhiệm các nhiệm vụ, giải pháp với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”.
 Ninh Thuận phấn đấu Chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh đạt từ 71,70 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023), đưa PCI Ninh Thuận trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt của cả nước. Ảnh mang tính minh họa.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Thuận đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm và tăng 19 bậc so với năm 2022, tăng 38 bậc so với năm 2021, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của cả nước.

Để tiếp tục duy trì việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI, phấn đấu năm 2024 đạt từ 71,70 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023), đưa PCI Ninh Thuận trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt của cả nước, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có trách nhiệm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Báo cáo số 136/BC-UBND ngày 09/6/2024 của UBND tỉnh về đánh giá Chỉ số PCI năm 2023 và một số giải pháp năm 2024 và Kế hoạch số 2767/KH-UBND ngày 24/6/2024 của UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc” và phương châm “làm đúng, nhanh và hiệu quả”.

UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các sở, ngành và UBND huyện, thành phố tiếp tục quán triệt nhận thức cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương; gặp gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và tạo ra được giá trị mới, động lực mới, thương hiệu về “văn hóa công vụ - chất lượng quản trị”.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; rà soát hoàn thiện quy chế phối hợp, quy trình giải quyết thủ tục về đầu tư kinh doanh tại các sở, ngành, địa phương, đảm bảo đúng thời gian theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, vi phạm các quy định, quy trình, thủ tục gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp. Công khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, quy trình xử lý các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể kiểm soát tiến độ thực hiện, vướng mắc phát sinh và trách nhiệm giải quyết. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa tại UBND các huyện, thành phố.

UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, thuế, xây dựng, quy hoạch, lao động, tiếp cận tín dụng,..., xem việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; khơi thông các điểm nghẽn với tinh thần “sớm nhất, hiệu quả nhất”. Định kỳ hằng tháng các sở, ngành, địa phương tổ chức gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp nhằm trao đổi, nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đồng bộ, đầy đủ các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và định hướng phát triển các ngành lĩnh vực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, xây dựng phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục phát huy những kết quả tích cực và khắc phục nghiêm túc, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Chỉ số PCI năm 2024 và gắn với việc tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai xác định Chỉ số DDCI 2024 (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị và sở, ngành) theo định kỳ phù hợp của các sở, ban, ngành, địa phương đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả cả 2 Chỉ số trong cùng thời điểm; tham mưu tổ chức Hội thảo thống nhất cả 2 Chỉ số trong cùng Hội nghị.

UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường việc chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án, danh mục kêu gọi đầu tư; công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư, các khoản phí, lệ phí; tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, … Đồng thời, cập nhật, điều hành nội dung Cổng thông tin điện tử của tỉnh kịp thời, chất lượng, thu hút nhiều lượt truy cập, tạo dựng uy tín, hiệu quả tìm kiếm cho doanh nghiệp.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác khuyến công, xúc tiến thương mại để hỗ trợ, khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chế biến các mặt hàng nông lâm thủy sản để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa, đưa vào hệ thống phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu; tham mưu tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ban Quản lý các khu công nghiệp và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; khuyến khích áp dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường,…Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ, các hiệp hội ngành nghề làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền các hoạt động của tỉnh trong chỉ đạo điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt, chia sẻ, cảm nhận được đầy đủ, kịp thời những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, góp phần cải thiện tốt Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)./.

Thu Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực