Ninh Thuận nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các tháng cuối năm

Thứ tư, 23/10/2024 14:37
(ĐCSVN) - Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 11,01%, 3 tháng cuối năm 2024, Ninh Thuận phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 13,96%. Đồng thời, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng năm 2025.

3 tháng cuối năm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 13,96%

UBND tỉnh Ninh Thuận nhận định, trong 3 tháng cuối năm 2024, tỉnh triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn về thị trường, biến động giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí logistics tăng cao; thiên tai, dịch bệnh và bão lũ còn diễn biến bất thường,…

 Ngành nông lâm nghiệp Ninh Thuận phấn đấu 3 tháng cuối năm giá trị gia tăng đạt 730 tỷ đồng, tăng 6,54%. (Ảnh minh họa: Đ.T)

Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 11,01%, 3 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khoảng 13,96%. Cụ thể, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, phấn đấu quý IV đạt 1.403 tỷ đồng, tăng 5,9%. Trong đó, ngành nông lâm nghiệp, phấn đấu 3 tháng cuối năm giá trị gia tăng đạt 730 tỷ đồng, tăng 6,54%; cả năm 2024 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 5,05%, đóng góp tăng trưởng 0,55% GRDP.

Đối với ngành thủy sản, phấn đấu trong 3 tháng cuối năm, giá trị gia tăng đạt 610 tỷ đồng, tăng 1,25%; cả năm 2024 đạt 4.284 tỷ đồng, tăng 4,02%, đóng góp tăng trưởng 0,67% GRDP.

Đối với ngành công nghiệp - xây dựng, Ninh Thuận phấn đấu 3 tháng cuối năm, giá trị sản xuất đạt 2.898 tỷ đồng, tăng 23,59%, cả năm đạt 9.887 tỷ đồng, tăng 13,97%. Trong đó, ngành công nghiệp, phấn đấu 3 tháng cuối năm, giá trị gia tăng đạt 1.995 tỷ đồng, tăng 24,62%, cả năm đạt 6.908 tỷ đồng, tăng 16,13%.

Với ngành xây dựng, phấn đấu 3 tháng cuối năm, giá trị gia tăng đạt 895 tỷ đồng, tăng 21,91%, cả năm 2024 đạt 2.980 tỷ đồng, tăng 10,38%.

Đối với ngành dịch vụ, Ninh Thuận phấn đấu quý IV/2024, giá trị gia tăng đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 11,29%, cả năm đạt 9.418 tỷ đồng, tăng 9,1%. Tập trung khai thác tuyến Đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh để thúc đẩy các nhóm ngành dịch vụ khác phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu ngành du lịch cả năm tăng 17,1%; nhóm ngành bán buôn bán lẻ tăng 11,9%; nhóm ngành vận tải kho bãi tăng 19,2%,…

 Ngành công nghiệp Ninh Thuận phấn đấu 3 tháng cuối năm, giá trị gia tăng đạt 1.995 tỷ đồng, tăng 24,62%. Ảnh mang tính minh họa: B.T

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tập trung làm tốt công tác tư tưởng; đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và cấp ủy các cấp; những kết quả thực hiện nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng năm 2025, hướng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách về định giá đất, giải phóng mặt bằng, …để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách, dự án có quy mô lớn.

Chủ động tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, tổ chức làm việc với các bộ, ngành trung ương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, nhất là các vướng mắc về kế hoạch triển khai quy hoạch điện VIII, các dự án năng lượng, hạ tầng truyền tải, khoáng sản, chuyển đổi đất rừng,...

Chủ đầu tư các dự án chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thi công. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án, nhất là các đơn vị nhà thầu thiếu năng lực theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục duy trì ổn định, nhất là sản xuất lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản); theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thời tiết nguy hiểm (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét) thông tin kịp thời để chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân, hạn chế thiệt hại về tài sản.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy thương hiệu tôm giống, mở rộng thị trường để nâng cao sản lượng sản xuất giống cả năm. Tháo gỡ những khó khăn trong nuôi biển nước sâu; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án nuôi biển công nghệ cao.

 UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục duy trì ổn định sản xuất lĩnh vực nông nghiệp gồm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa: B.T

Đồng thời, hoàn thành điều chỉnh Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 để tổ chức triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả phát triển chăn nuôi. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tham mưu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững, hiệu quả.

UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường theo dõi tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án mới để khai thác năng lực mới, giá trị mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kịp thời tham mưu có giải pháp thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu....những tháng cuối năm. Đặc biệt, tận dụng các ưu đãi về thuế của FTA để tìm kiếm thị trường và đối tác; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với hai mặt hàng chủ lực chế biến tôm đông lạnh và hạt điều.

UBND tỉnh yêu cầu Ban quản lý các Khu Công nghiệp nghiên cứu chặt chẽ, kỹ lưỡng, đầy đủ các quy định có liên quan, tham mưu xử lý các thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành. Đẩy mạnh công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp. Phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thành các dự án trong các khu công nghiệp, tạo giá trị tăng thêm cho tăng trưởng cuối năm. Kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn tất các thủ tục hành chính, đất đai, môi trường để triển khai xây dựng các dự án mới,…/.

Mai Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực