Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị về di sản đặc trưng của Việt Nam

Thứ sáu, 30/08/2024 21:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị về di sản đặc trưng của Việt Nam; là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường,…​

Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị về di sản đặc trưng của Việt Nam

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 12/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) và Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh toàn diện công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành, lĩnh vực; tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nhằm phát triển đô thị, nông thôn theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị về di sản đặc trưng của Việt Nam (Ảnh: H.O)

Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị về di sản đặc trưng của Việt Nam; là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng GRDP đạt từ 7 - 8%/năm; GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD (theo cách tính hiện hành). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7-8%/năm. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP đạt khoảng 33-35%; trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp chiếm 85-90%. Tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 54-56%; trong đó, ngành du lịch chiếm 15-20%,…

Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là đô thị lớn, thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước. Trở thành đô thị di sản, thông minh và sáng tạo; thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, địa phương sẽ tập trung quán triệt, tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII); Kế hoạch 13-KH/TW, ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ và Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 12/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch hành động. Qua đó, nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị để thực hiện đạt được các mục tiêu của Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy.

Đáng chú ý, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  Các Sở, ngành, địa phương thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ nhằm tăng nhanh giá trị nội địa, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao là nòng cốt. Nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Thừa Thiên Huế sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tăng năng suất lao động (Ảnh minh họa: B.T)

Cùng với các giải pháp trên, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tăng năng suất lao động, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Thực hiện điều chỉnh phân bố không gian các ngành lĩnh vực phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh khác biệt và lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh và các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; từng bước hình thành và phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện khí, điện gió,…) tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và Khu Công nghiệp Phú Bài,…

Cùng với đó, tập trung cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Về nhiệm vụ, giải pháp này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các Sở, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh các dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số như: Du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu. Phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng; phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGap. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP; đồng thời, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện gắn với đô thị hóa, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025.

Đặc biệt, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế; trọng tâm là con người Huế gắn với xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của đô thị Thừa Thiên Huế. Trong đó, chú trọng phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy các giá trị văn hoá đã được UNESCO ghi nhận. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, thúc đẩy sự phát triển để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa,…/.

 

Mỹ Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực