|
Tỉnh Quảng Bình phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gần 2.150 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh trước tháng 10/2025 (Ảnh mang tính minh họa). |
Theo Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo, giúp đỡ người có công với cách mạng, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, là một tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Nhân dân ở một số vùng trong tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng bãi ngang,…vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, nhu cầu về nhà ở rất cấp thiết.
Theo thống kê, đến hết tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh có gần 2.150 hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở, đang sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, diện tích nhỏ hẹp, hư hỏng, dột nát, thiếu an toàn, rất cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và toàn xã hội để huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Bình phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gần 2.150 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh trước tháng 10/2025, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Để đạt được kết quả trên, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực. Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn và tính nhân văn sâu sắc, là việc làm trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong năm 2024, 2025. Lấy kết quả thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua hằng năm của tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, phát huy dân chủ, đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị, giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện. Khẩn trương thành lập ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó đồng chí bí thư cấp ủy là trưởng ban chỉ đạo, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân là phó trưởng ban chỉ đạo, thành viên ban chỉ đạo là chủ tịch Mặt trận và trưởng các ngành liên quan. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thường xuyên, liên tục.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Đa dạng hóa nội dung, phương thức tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, đúng định hướng, đúng đối tượng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tích cực vận động hộ gia đình, cộng đồng dân cư cùng đóng góp nguồn lực, ngày công lao động và huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình. Tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung tổ chức rà soát, xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện để cân đối, bố trí vốn từ ngân sách địa phương, kết hợp với vận động, kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở.
Vận động sự tham gia đóng góp vật chất, ngày công từ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, bản thân các hộ gia đình được hỗ trợ và cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chung tay, góp sức vì người nghèo, người gặp khó khăn về nhà ở. Điều tra, nắm chắc số liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ sửa chữa, xây mới,…để bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, có kế hoạch, lộ trình phù hợp, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
|
Quảng Bình sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình theo đúng các quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. (Ảnh mang tính minh họa) |
Địa phương sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình theo đúng các quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; chấn chỉnh kịp thời các hành vi sai phạm trong việc huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, mô hình sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Về tổ chức thực hiện, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo đúng thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh sớm triển khai Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Chỉ đạo sử dụng minh bạch, lồng ghép phù hơp các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa trong triển khai thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở.
Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân chung sức hỗ trợ, giúp đỡ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện,…/.