Cà Mau: Người có uy tín thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội

Chủ nhật, 18/08/2024 19:40
(ĐCSVN) - Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là lực lượng nòng cốt, là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đời sống dân sinh, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 tại Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc đã nêu rõ: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”. Cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu là Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc ban hành chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn, là sự cụ thể hoá đường lối, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người có uy tín nói riêng.

Đối với Cà Mau, những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 67 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; (trong đó có 60 nam, 07 nữ; dân tộc Khmer 52 người, có 06 nữ; người Hoa 07 người; dân tộc Kinh 08 người, có 01 nữ).  Trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, người có uy tín đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; phát động tham gia nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo… Phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đi đầu trong hưởng ứng, thực hiện xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh có 58/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 70,73%; có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Người uy tín đã tích cực phối hợp, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, vận động đồng bào tích cực trong sản xuất. Điển hình có nhiều gia đình người có uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những cho gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo làm giàu. Đến cuối năm 2015, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 3.073 hộ (chiếm tỷ lệ 25,68% tổng số hộ trong đồng bào dân tộc thiểu số); hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 867 hộ (chiếm 7,24% tổng số hộ trong đồng bào dân tộc thiểu số). Cuối năm 2022, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 1.042 hộ (chiếm tỷ lệ 8,86% tổng số hộ trong đồng bào dân tộc thiểu số); hộ cận nghèo 550 hộ (chiếm tỷ lệ 4,68% tổng số hộ trong đồng bào dân tộc thiểu số).

Đặc biệt, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong các năm qua được UBND tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt. Riêng từ năm 2022 đến nay tỉnh đã lồng ghép thêm nội dung thực hiện chính sách đối với người có uy tín thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 10 của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tổng kinh phí thực hiện chính sách từ năm 2019 đến 2024 là 4.537 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ 522 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 4.015 triệu đồng).

Hàng năm, theo danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận, có rà soát bổ sung, điều chỉnh theo thực tế và kế hoạch thực hiện chính sách đối với người có uy tín được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cũng tổ chức thăm hỏi, chi hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần đối với người có uy tín đúng định mức, chế độ theo quy định hiện hành. Tổ chức đưa người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với người có uy tín các địa phương ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức đón tiếp đoàn người có uy tín các tỉnh đến giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Cà Mau.

Ngoài ra, để kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho những người có uy tín không ngừng phát huy vị trí, vai trò của mình, các chính sách đối với người có uy tín đã được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt như: thăm hỏi, động viên người uy tín nhân dịp lễ, tết, lúc đau ốm hoặc có người thân đau ốm, ma chay, hiếu, hỉ. Định kỳ được cấp phát báo miễn phí như: Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc, ấn phẩm song ngữ Việt - Khmer Báo Cà Mau; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng - an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng tại địa phương. Công tác tổ chức đưa người có uy tín đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh được thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, người uy tín còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình trong nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền… Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư; phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; nhiều người bằng kinh nghiệm của mình đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”; luôn phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Người có uy tín là những người am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền vận động đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, thời gian qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Qua đó, thực hiện tốt việc giáo dục, động viên đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chính sách dân tộc, hòa giải các mâu thuẫn, vướng mắc trong cộng đồng dân cư. Tích cực tuyên truyền, giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dân tộc, không tin và nghe theo kẻ xấu. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại mọi âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực giúp đỡ đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, củng cố và phát triển các hoạt động văn hóa mang bản sắc dân tộc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi, những việc làm ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán; bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; những hành vi lệch lạc thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Có thể nói, trong 05 năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau đã thể hiện khá tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương và có nhiều đóng góp vào việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Luôn đi đầu trong các phong trào giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cầu nối quan trọng để làm tốt công tác thông tin 2 chiều giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nắm bắt tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương./.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực