|
Từ nay đến 2030 ngành nông nghiệp đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng cho các giải pháp nước ngọt khu vực Tây Nam Bộ. (Ảnh: Báo Kinh tế đầu tư) |
Theo báo cáo tại Hội thảo, Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mekong thuộc Việt Nam, diện tích 3,9 triệu ha, có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, là chìa khóa chính trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Với tiềm năng nông nghiệp và thuỷ văn to lớn, trong những năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu sử dụng nước đến hơn 40 tỷ m3/năm, trong đó cho trồng lúa chiếm đến 70%. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế- xã hội kéo theo gia tăng nhu cầu sử dụng nước của con người, nhất là phía thượng nguồn và dưới tác động của biến đổi khí hậu, mức nước biển dâng, lượng nước đến có nguy cơ bị suy giảm và đồng thời chất lượng nước khu vực ven biển bị suy giảm nghiêm trọng do xâm nhập mặn.
Nhu cầu sử dụng nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm vào khoảng 22,8 tỷ m3. Trong đó, thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô vào khoảng 4,2 tỷ m3 hàng năm, dự báo lên đến 4,8 tỷ m3 vào năm 2030 và 5 tỷ m2 vào năm 2050. Vì vậy, việc xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết.
Do đó, các nhà khoa học đề xuất xây 2 hồ chứa nước tại Đồng Tháp và Hậu Giang để cung cấp nước ngọt cho các tỉnh Tây Nam bộ.
Theo đó, Đầu tư 130 nghìn tỷ đồng để xây 2 hồ chứa nước dung tích 2,5 tỷ m3.Vị trí xây hồ chứa 1 tại Đồng Tháp đặt gần vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông với diện tích xây dựng khoảng 27.000ha, dung tích 1,5 tỷ m3 nước; Hồ chứa thứ 2 nằm gần khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, thuộc địa phận ba xã Phương Bình, Phương Phú, Tân Phước thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Hồ chứa có dung tích 1 tỷ m3. Tổng diện tích xây hồ dự kiến hơn 17.000ha./..