|
Đối thoại giữa Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xà Lực. (Ảnh: Bảo Thy) |
Đặc biệt, Công tác tổ chức và cán bộ cơ bản đi vào nền nếp. Các tổ chức cơ sở đảng từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp lại, kiện toàn và tinh gọn hơn. Đảng bộ tỉnh có 19 đảng bộ trực thuộc (12 đảng bộ huyện, 03 đảng bộ thành phố, 01 Đảng bộ khối Các Cơ quan-Doanh nghiệp tỉnh, 03 đảng bộ lực lượng vũ trang), 812 tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ cơ sở 296, chi bộ cơ sở 516) và 2.851 chi bộ, đảng bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (gồm 2.832 chi bộ và 19 đảng bộ bộ phận) với tổng số 62.886 đảng viên, chiếm 3,5% dân số của tỉnh. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng cao gắn với việc mở rộng, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ được tiến hành chặt chẽ; công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Từ năm 2020 đến năm 2023, đã cử 36.349 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, đào tạo là 8.856 cán bộ, đào tạo chuyên môn 1.569 cán bộ (nghiên cứu sinh 17, thạc sĩ 473 và đại học 1.079); đào tạo lý luận chính trị 7.287 cán bộ (cao cấp 784, trung cấp 3.267, sơ cấp 3.236). Bồi dưỡng, tập huấn 27.493 lượt cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm mở các lớp trong đó: nghiệp vụ xây dựng Đảng 2.360; nghiệp vụ đoàn thể 6.287; quản lý nhà nước 4.480; ngoại ngữ 520; tin học 340; Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng 2.405; Quốc phòng-an ninh 11.101 cán bộ. Tổ chức 29 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 2.614 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhiệm kỳ 2020-2025. Tăng cường tổ chức các lớp trung cấp lý luận chính trị tại các huyện, cụm huyện để cán bộ tham gia được thuận lợi. Đồng thời, phối hợp với các học viện, trường ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ, đại học, cao cấp lý luận chính trị và nhiều lớp bồi dưỡng tại tỉnh. Công tác quản lý, chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đều đảm bảo đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định gắn với quy hoạch, vị trí việc làm và bố trí, sử dụng cán bộ. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chế độ đào tạo, bồi dưỡng, đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang, qua đó, thu hút 112 bác sĩ về công tác trong ngành y tế, tạo nguồn cán bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên bảo đảm thực chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường, đổi mới về nội dung, chất lượng được nâng lên. Hằng năm, các cấp ủy chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, nội dung thiết thực có trọng tâm, trọng điểm, sát hợp với nhiệm vụ chính trị và thực tiễn của đất nước. Thành tích và khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên được công khai và minh bạch hóa. Các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm bị xử lý nghiêm, kịp thời và không có vùng cấm. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm... Qua đó, đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Từ năm 2020 đến nay, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát 5.638 tổ chức đảng, 64.454 đảng viên (trong đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra thực hiện kiểm tra 22, giám sát 9 cuộc liên quan đến công tác cán bộ; các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ tiến hành kiểm tra 5 cuộc, giám sát 01 cuộc). Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại và thi hành kỷ luật trong đảng 5.612 tổ chức và 1.769 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hoạt động quản lý và điều hành của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến, tiến bộ, phát huy và mở rộng dân chủ trong các cơ quan nhà nước đến Nhân dân thông qua các kỳ họp hội đồng nhân dân, chất vấn của đại biểu đối với các cơ quan nhà nước; phát huy dân chủ, tôn trọng tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp qua các cuộc họp tiếp xúc cử tri; thông qua việc quán triệt, triển khai thực hiện quy chế dân chủ theo Pháp lệnh số 34/2007/UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp. Qua đó, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt nội dung phải công khai cho Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết; bàn và quyết trực tiếp bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm người dân tiếp cận được thông tin..
Để “phát huy dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ trong hoạt động quản lý và điều hành của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, Kiên Giang cần tiếp tục phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ, mở rộng dân chủ; phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, nhất là những vấn đề liên quan đến phát huy dân chủ, quyền và lợi ích của các thành viên, đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị của cả hệ thống chính trị về quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đẩy lùi chạy chức, chạy quyền; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân.../..