|
Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chú trọng đầu tư. |
Thông tin từ Sở LĐTB&XH tỉnh Long An cho biết: Hiện Long An có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang hoạt động (4 trường Cao đẳng, 4 trường Trung cấp, 3 Trung tâm và 2 đơn vị GDNN). So với năm 2014, số giáo viên, giảng viên và quản lý trong các cơ sở GDNN hiện có 758 người, tăng 302 người.
Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU, ngày 03/11/2014 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, Long An có sự quan tâm, chú trọng đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh triển khai 266 chương trình đào tạo nghề, nhờ đó, hơn 90% HSSV có việc làm sau tốt nghiệp. Để cải thiện cơ sở vật chất đào tạo nghề, tỉnh đầu tư hơn 271 tỉ đồng cho các cơ sở GDNN công lập.
Thời gian qua, tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực GDNN và lao động nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… và đào tạo nguồn nhân lực đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Giai đoạn 2014 - 2024, ngân sách tỉnh đã đầu tư hơn 271 tỉ đồng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự đầu tư khoảng 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh đã đề xuất trung ương bố trí vốn ODA của Chính phủ Đức cho dự án Chương trình đào tạo nghề 2008 cho Trường Cao đẳng nghề Long An để mua sắm thiết bị phục vụ việc đào tạo của trường với tổng giá trị 48 tỉ đồng.
Đến nay, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo hiện tại. Trang thiết bị đào tạo đã được đầu tư theo công nghệ tiên tiến, hiện đại cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Phần lớn thiết bị đào tạo được đưa vào sử dụng để giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, có 2 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tư thục được thành lập và 1 doanh nghiệp đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 8/13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 61,53%.
Năm 2015, tỉnh ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo (trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng do Trung ương quy định), UBND tỉnh ban hành giá dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt hàng cho Trường Cao đẳng Long An đào tạo 253 sinh viên trình độ cao đẳng (với kinh phí là gần 12 tỉ đồng) nhằm thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trình độ cao đẳng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và hội nhập của tỉnh.
|
Long An thực hiện chính sách liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để đào tạo nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu. |
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập nghề nghiệp được quan tâm triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn cho hơn 43.000 người, kinh phí khoảng 47,5 tỉ đồng); miễn 100% học phí cho học sinh tham gia học nghề trình độ trung cấp; miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách khi tham gia học nghề trình độ cao đẳng; thực hiện chính sách nội trú, tín dụng, học bổng cho học sinh, sinh viên; Hỗ trợ vay vốn cho hơn 8.800 học sinh, sinh viên; cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên... nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học trình độ cao đẳng; nhất là học các nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể của tỉnh Long An đến năm 2030 là phấn đấu thu hút khoảng 50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có 01 trường cao đẳng đạt trường chất lượng cao, cơ bản tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 09 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế, trong đó 02 nghề cấp độ ASEAN và 02 nghề cấp độ quốc tế. Định hướng đến năm 2045, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Thời gian tới, tỉnh xác định sẽ tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực tay nghề cao; kêu gọi dự án đầu tư trường đào tạo nghề chất lượng cao; đồng thời, xây dựng và phát triển đội ngũ quản lý, nhà giáo đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo hướng chuẩn hóa./.