Trà Vinh phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người nghèo trên mọi lĩnh vực

Thứ sáu, 06/12/2024 18:57
(ĐCSVN) - Với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực khắc phục vượt qua khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh từng bước phát triển.
 Tặng nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ở Trà Vinh. (Ảnh: Văn Vĩnh)

Đến nay, qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, nhìn chung tốc độ giảm nghèo của tỉnh đã được đẩy nhanh, góp phần ổn định đời sống cho người dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thiếu việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và bước đầu chuyển đổi cơ cấu, chất lượng lao động theo hướng tích cực.

Tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người nghèo trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh gắn vào quá trình đầu tư các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình, kế hoạch giảm nghèo của Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19% so với tổng hộ dân cư toàn tỉnh (giảm 2,37% so với năm 2021), hộ cận nghèo còn 2,35% (giảm 3,65% so với năm 2021), trong đó hộ nghèo là người dân tộc Khmer còn 1.800 hộ, chiếm 2,03% so với tổng số hộ dân tộc Khmer (giảm 5,16% so với năm 2021), hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer chiếm 3,25%/hộ Khmer (giảm 6,73% so với năm 2021). Đồng thời, quan tâm gia tăng hộ có mức sống trung bình, có thu nhập khá, giàu(so với số hộ dân cư toàn tỉnh, thì hộ có mức sống trung bình chiếm tỷ lệ 44,8%, giảm 4,2% so với năm 2021; hộ có thu nhập khá 46%, tăng 2,04% so với năm 2021; hộ giàu chiếm tỷ lệ 4,03%, tăng 0,16% so với năm 2021).

Trong 03 năm (2022 - 2024), với sự huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho giảm nghèo bền vững đã góp phần cho tỉnh thực hiện giảm 2,67% tỷ lệ hộ nghèo, vượt 0,67% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg, ước thực hiện đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9% tương đương 2.591 hộ nghèo, trong đó có 2.256 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm 87,07% so với tổng số hộ nghèo. Sau khi trừ số hộ nghèo không còn khả năng lao động, toàn tỉnh Trà Vinh còn 335 hộ nghèo có khả năng lao động và đủ năng lực thoát nghèo vào cuối năm 2025, gần nhất cuối năm 2024 Trà Vinh sẽ giảm 2,67% hộ nghèo (chỉ tiêu bình quân 0,67%/năm), tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 02 năm.

Để duy trì kết quả trên, tỉnh đề ra giải pháp phù hợp với “sức dân” và tình hình thực tế của tỉnh.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về công tác giảm nghèo để người dân thực sự là “chủ thể”, có vị trí “trung tâm” trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo.

Mặt khác, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đổi mới tư duy, phương thức giảm nghèo theo hướng người nghèo là “chủ thể”, vị trí “trung tâm” tự thân vươn lên thoát nghèo bằng năng lực sản xuất của bản thân, có việc làm và thu nhập ổn định.

Cùng với đó, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho giảm nghèo bền vững theo hướng cụ thể hóa vai trò của Nhà nước là hướng dẫn, hỗ trợ có “điều kiện”, người nghèo là chủ thể, vị trí trung tâm thoát nghèo bằng năng lực, ý chí bản thân. Các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục tăng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và nguồn đối ứng của địa phương để thực hiện công tác giảm nghèo; tăng nguồn vốn thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù của tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo….

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thực hiện nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, triển khai đồng bộ, thực chất phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với thực tế và phát huy cao độ năng lực sáng tạo; nâng cao chất lượng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế tiêu biểu.

Bên cạnh đó đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo và phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Kịp thời củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan điều phối, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo theo hướng chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vữngvàng và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ sáu, quan tâm công tác giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình thực tế của đồng bào dân tộc Khmer và vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong đó chú trọng lồng ghép thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững với triển khai thực hiện các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo; Phát huy vai trò của các vị chức sắc, sư sãi tại các chùa, cơ sở tôn giáo để phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với tổ chức, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số chủ động, tích cực tổ chức học tập, lao động, sản xuất để giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội.

Sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của người đứng đầu, là nhân tố quyết định quan trọng nhất cho việc triển khai thành công của Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh./..

 

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực