Hà Nội: Triệt để cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách

Thứ tư, 26/06/2024 16:32
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hà Nội triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách như hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, thành phố trong giai đoạn 2026-2030...
Ảnh minh họa. 

Chủ tịch UBND thành phố (TP) Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc xây dựng Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026-2030 thành phố Hà Nội.

Để thực hiện hóa mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của quốc gia và phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm TP Hà Nội theo quy định: Bảo đảm phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội thế giới, trong nước và thực tế triển khai giai đoạn 2021-2025 và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, huy động và trả nợ, các yêu cầu giới hạn an toàn tài chính của địa phương trong giai đoạn 2026-2030; chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, thành phố về phân cấp ngân sách và quy định về định mức phân bổ chi đầu tư, thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nguyên tắc quản lý an toàn nợ chính quyền địa phương; phát huy tính tự lực, tự cường của các cấp chính quyền thành phố.

Đồng thời, triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách như hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, thành phố trong giai đoạn 2026-2030, tập trung cho tăng trưởng, đầu tư phát triển, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của Thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc rhành phố và các cấp chính quyền thành phố.

Công khai, minh bạch, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý, đặc biệt coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của người đứng đầu.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm của TP Hà Nội giai đoạn 2026-2030. Trong đó, dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của thành phố (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP), chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất, ngành hàng và giá các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 5 năm giai đoạn 2026-2030.

Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 5 năm của thành phố giai đoạn 2026-2030; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của thành phố trong thời gian 5 năm kế hoạch. Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu; khung cân đối về tài chính - ngân sách của thành phố trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành. Các chỉ tiêu về quản lý nợ của thành phố. Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách địa phương và các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương của Thành phố. Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm thành phố./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực