|
Thành phố luôn giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. |
Với truyền thống năng động, sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo và người dân Thành phố đã xây dựng nên một đô thị hiện đại, với sứ mệnh và tầm vóc lớn lao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. TP Hồ Chí Minh đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Thành phố luôn giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Điều này có thể thấy rõ qua một số con số cụ thể như quy mô GRDP của Thành phố tính tới cuối năm 2023 đạt khoảng 65,5 tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của cả nước. Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước 469.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước, vẫn đảm bảo mục tiêu về thu và có tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của cả nước. Điều này cho thấy kỳ vọng của cả nước vào các động lực tăng trưởng lớn như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác vốn là các cực tăng trưởng quan trọng.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, từ đầu năm 2024 tới nay, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 567.648,7 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ. Tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố đều có mức tăng trưởng dương, tăng cao nhất là ngành vận tải, kho bãi (18,47%). Giá trị tăng thêm của 9 ngành này chiếm 59,9% trong GRDP, chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ. Xét về cơ cấu tỷ trọng đóng góp, trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh đã đóng góp gần 26% vào tổng thu ngân sách nhà nước chung của cả nước.
Năm 2024, TP Hồ Chí Minh xác định chủ đề là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội”. Thành phố đang quyết liệt triển khai các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đặc biệt, Thành phố đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội để đẩy nhanh việc hình thành các nền móng, cơ sở quan trọng cho các mục tiêu dài hạn, tầm nhìn về một đô thị tầm cỡ khu vực và toàn cầu về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, công nghệ, tài chính, dịch vụ; phát triển Thành phố tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Nghị quyết 98 có 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực. Theo đánh giá của Thành phố, việc triển khai Nghị quyết 98 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc và xung lực bứt phá quan trọng để phát triển thành phố nhanh, mạnh, bền vững. Một số cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội (chính sách chi nguồn vốn đảm bảo an sinh xã hội, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đề án cho trung và dài hạn…).
Cụ thể, như về lĩnh vực quản lý đầu tư, TP Hồ Chí Minh đã bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc các tuyến Metro và ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; đã thông qua 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu.
Thành phố đã bố trí vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng. Thành phố đã chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cho 1 dự án với diện tích là 0,04ha; đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội; đã có 5 đơn vị đăng ký thực hiện chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện cho 5 nhà máy; 2 dự án được bổ sung mục tiêu đốt rác phát điện.
|
Vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Thành phố có những đột phá trong phát triển. |
Riêng đối với nhóm cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức, có 2 nhóm cơ chế gồm nhóm cơ chế về phân cấp, ủy quyền và nhóm cơ chế về tổ chức bộ máy. Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành các nhóm cơ chế này…
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, giai đoạn 2025-2030, TP Hồ Chí Minh kiên trì với mức tăng trưởng khoảng 9%. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố phải tiến hành hàng loạt công việc, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Muốn vậy, phải có một thể chế phù hợp, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực hấp thụ vốn đầu tư thông qua cải cách mạnh mẽ của bộ máy, đội ngũ.
Bên cạnh đó là tái cơ cấu nền kinh tế của Thành phố theo hướng công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, chọn trọng tâm, công việc, dự án cụ thể để tập trung thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ và cho nhiệm kỳ kế tiếp. Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho rằng các mục tiêu rất thách thức và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, xác định được trọng tâm và có giải pháp đột phá, đồng bộ mới đạt được kết quả như kỳ vọng.
Thuận lợi là hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ rất rốt ráo của Trung ương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Nghị quyết 98 đang được chạy với tốc độ kỷ lục. Qua đó, Thành phố đang dần gỡ bỏ các rào cản để tự tin tăng tốc. Trước mắt, Thành phố quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 từ 7,5-8% theo chỉ đạo của Thủ tướng để tạo bước chạy đà cho các năm sau.
Năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Thành phố. Trung ương và nhân dân cả nước luôn quan tâm và kỳ vọng vào những bước phát triển đột phá mới của Thành phố trong thời gian tới.
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thành phố đang nỗ lực từng ngày để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, tận dụng được những cơ hội tốt từ cơ chế đặc thù vượt trội nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển của Thành phố trong thời gian tới./..