|
Mỗi tiêu chí mô hình xây dựng "Trường học Hạnh phúc" được đánh giá ở 3 mức độ gồm "cần cải thiện", "khá" và "tốt". |
Năm học 2024-2025 là năm thứ hai ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Tháng 10/2023, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên cả nước ban hành bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc" tại TP diễn ra vào cuối tháng 11/2024, Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" được xây dựng với 18 tiêu chí, chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn, đánh giá dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học tại các đơn vị trường học. Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 3 mức độ gồm "cần cải thiện", "khá" và "tốt".
Bộ tiêu chí được triển khai cho tất cả trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng và trung cấp thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn thành phố.
Dựa trên bộ tiêu chí, ban giám hiệu và hội đồng sư phạm tự đánh giá mức độ đạt được của trường. Chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào chưa đạt được cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện mức độ và chất lượng cung ứng dịch vụ.
Sau khi tự đánh giá, cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện từng nội dung trong bộ tiêu chí, dựa theo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, mặt bằng học tập, cấp học và loại hình đào tạo của cơ sở.
Năm học 2023-2024, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng trường học hạnh phúc nhằm nâng cao chất lượng dạy học, cải thiện kết quả học tập của học sinh. Tới đây, Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh, sát hơn với nhu cầu thực hiện ở từng cấp học, phù hợp với yêu cầu đổi mới của giáo dục và đào tạo cũng như thực tiễn xã hội.
Theo đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, xây dựng trường học hạnh phúc phải dựa trên nhu cầu tự thân của cơ sở giáo dục, không nhằm chạy theo thành tích. Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã bước đầu tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác tổ chức dạy và học, tăng cường sự kết nối giữa các lực lượng trong nhà trường gồm giáo viên với cán bộ quản lý, giáo viên với học sinh và phụ huynh.
|
Trường học hạnh phúc hướng đến việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. |
Trong bối cảnh ngành giáo dục và đào tạo đang “về đích” lộ trình triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, mô hình trường học hạnh phúc là một sự cộng hưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp giáo dục chuyển mục tiêu từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học. Trong đó, trường học hạnh phúc hướng đến việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đến phụ huynh đều được bày tỏ quan điểm, được tạo điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy năng lực cá nhân.
Có thể kể ra nhiều mô hình, cách làm sáng tạo của các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như tăng cường các dự án học tập kết hợp nhiều môn học, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại giữa ban giám hiệu với học sinh các khối lớp, triển khai các sáng kiến xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp… Nhờ những nỗ lực đó, không gian học tập được đổi mới từ nội dung đến hình thức, phương pháp học tập và kiểm tra, đánh giá học sinh.
Nhằm giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tốt Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc", ngành giáo dục tiếp tục phối hợp các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân thực hiện các buổi chuyên đề để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm; mời chuyên gia tư vấn, nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường học.
Từ những kết quả bước đầu của chương trình “Trường học hạnh phú” tại TP Hồ Chí Minh trong một năm qua đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai mô hình với việc xây dựng Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc", minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm, sự bài bản và tâm huyết nhằm xây dựng nền tảng giáo dục nhân văn, tiến bộ./..