Đak Đoa (Gia Lai): Đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Thứ hai, 28/10/2024 01:31
(ĐCSVN) - Trong những năm gần đây nhờ có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước có sự chuyển biến về mặt kinh tế và xã hội của huyện Đak Đoa. Phát huy thế mạnh diện tích cây công nghiệp, cây lương thực khá lớn, huyện đã kêu gọi người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi, cải tạo giống, liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm...

Đak Đoa là một huyện nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai cách thành phố Pleiku khoảng 15 km, có tổng diện tích đất tự nhiên là: 98.530,60 ha. Trong đó, đất Nông nghiệp 86.139,80 ha chiếm 87,42% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện. Tổng dân số của toàn huyện là 131.867 người; có 3 dân tộc anh em cùng chung sống. Tổng diện tích cây trồng chủ yếu của huyện là 50.445,4 ha. Trong đó, chủ yếu là diện tích cây Cà phê với 28.000 ha; ngoài ra còn có cây hồ tiêu, lúa nước, chanh dây, cây ăn quả 2.960 ha, cây dược liệu 250 ha...

Đak Đoan với diện tích trồng cây là phê là chủ yếu, với 28.000 ha.

Kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 10.858 tỷ đồng, tăng 10,7% so năm 2022. Trong đó: Ngành Nông - Lâm - Thủy sản đạt 3.690 tỷ đồng, Ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 3.063 tỷ đồng, ngành dịch vụ đạt 4.105 tỷ đồng,

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp theo định hướng: Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp - thủy sản: 37,41%; ngành công nghiệp - xây dựng: 26,05%; ngành dịch vụ 36,54%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 84.888 triệu đồng;

Hiện nay, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện Đak Đoa. Huyện đã triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu; đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung như cà phê, hồ tiêu, chuối, lúa nước,... và từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

 Trong những năm gần đây nhờ có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước có sự chuyển biến về mặt kinh tế và xã hội của huyện Đak Đoa. Phát huy thế mạnh diện tích cây công nghiệp, cây lương thực khá lớn, huyện đã kêu gọi người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi, cải tạo giống, liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Đối với ngành hàng cây trồng chủ lực là cây cà phê, nhân dân trong huyện tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến sâu, tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất Cà phê theo tiêu chuẩn trên địa bàn huyện, nâng diện tích Cà phê được liên kết tiêu thụ và chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, Rainforest, hữu cơ, ... lên trên 13.000 ha chiếm 45% tổng diện tích cà phê toàn huyện (liên kết với CTy TNHH Vĩnh Hiệp, Olam, Acom, Luiis, Hoa Trang, Sucden, Phi Long, Nestle, ...); đồng thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các thành viên tham gia liên kết sản xuất; dần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất hợp tác, tập trung; đồng thời người dân có thể nâng cao chất lượng cà phê, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.

 Ngoài ra huyện cũng phát triển mạnh diện tích trái chanh dây. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Song với đó, đẩy mạnh việc tái canh, cải tạo nâng cao chất lượng vườn Cà phê già cỗi, kém năng suất thay bằng các giống mới như TR4, TRS1 … phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương (trung bình mỗi năm trên 300 ha). Một số sản phẩm chế biến sâu (cà phê bột) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện đã góp phần làm tăng giá trị cho ngành hàng Cà phê, tạo động lực phát triển trong thời gian tới.

Với cây hồ tiêu, huyện kêu gọi nhân dân tập trung chăm sóc, tăng cường các biện pháp thâm canh bền vững, tiếp tục mở rộng tỷ lệ tiêu có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Thực hiện các dự án sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững do Liên minh Châu Âu, IDH và Hiệp hội gia vị Châu Âu nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường Quốc tế; Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững theo tiêu chuẩn Olam Clean Peper (OCP).

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất của sản phẩm nông nghiệp, huyện tập trung triển khai Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, đến nay toàn huyện có trên 37 sản phẩm OCOP, trong đó có 06 sản phẩm đạt 4 sao và 33 sản phẩm đạt 3 sao của 06 Hợp tác xã, 01 doanh nghiệp và 16 hộ kinh doanh; (Năm 2024 mới đánh giá thêm 5 sản phẩm mới, hiện đang chờ tỉnh công nhận)

Huyện cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã được người dân chú trọng đầu tư, nhằm giảm chi phí sản xuất, nhân công, thích ứng với biến đổi khí hậu: đến nay toàn huyện có 13.164 ha cây trồng các loại được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Hệ thống công nghệ được ứng dụng chủ yếu theo hệ thống công nghệ tiêu chuẩn Israel, hệ thống tưới nhỏ giọt thông thường và tưới phun mưa.

Đến nay, huyện đã được cấp 26 mã số vùng trồng với 868 ha. (trong đó có 11 mã số chanh leo (172 ha); 04 mã số Sầu riêng (62 ha), 03 mã số hồ tiêu (31 ha) và 08 mã số Chuối (603 ha) và 04 mã số cơ sở đóng gói (03 mã cơ sở đóng gói hoa quả tươi, 01 mã cơ sở đóng gói Sầu riêng, Chanh leo). Đây là tiền đề để các cây ăn quả trên địa bàn huyện được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác, giảm tình trạng tồn đọng nông sản tại địa phương.

Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện, là nội lực để triển khai xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Đak Đoa tập trung tổ chức, triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030./..

Khánh Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực