Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh.
Những nằm gần đây, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng Khoa học và công nghệ đã được người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn ứng dụng, mà đầu tàu là các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
|
Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng và chăm sóc cây trồng. |
Về trồng trọt: Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng một cách đồng bộ như công nghệ giống, phân bón hữu cơ vi sinh; các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM; công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước; một số công nghệ tế bào trong trồng rau thủy canh, nhân giống invitro; công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa như phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay định vị, dây chuyền sản xuất..; nhà lưới, nhà màng; sản xuất theo tiêu chuẩn... Đây là một trong những hướng đi chính và đã giúp các Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt được những thành công rõ rệt, trở thành những thương hiệu lớn trên thị trường tỉnh Gia Lai như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ Hưng Sơn, Công ty Cổ phần Giống Nông lâm Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH MTV Hương đất An Phú, Công ty Trường Thịnh (Olam), Công ty TNHH MTV cây ăn trái THAGRICO Cao Nguyên, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai...
Toàn tỉnh hiện có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đáp yêu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình: Tại xã Kon Gang, xã Glar, xã Ia Pết - huyện Đak Đoa: Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hưng Sơn đầu tư phát triển sản xuất 352,2 ha chuối Già hương Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tại xã Ia Tiêm, Bờ Ngoong, Ia Glai - huyện Chư Sê: Công ty Cổ phần Gia Súc Lơ Pang đầu tư phát triển sản xuất 1.342,58 ha chuối Già hương Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tại xã Ia Phìn - huyện Chư Prông: Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Thịnh Farm đầu tư phát triển sản xuất 128,9 ha chuối Già hương Nam Mỹ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ngoài ra trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống cây trồng với công nghệ hiện đại, điển hình như công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đóng tại địa bàn xã Ia Phang, huyện Chư Pưh với khu sản xuất giống chanh dây hơn 12 ha trong nhà lưới hiện đại với hệ thống tưới nước, bón phân tự động, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu cây giống.
Tính đến nay đã có 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu với tổng công suất 1.550 - 1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ,… Hình thành các chuỗi liên kết, tổ hợp nhà máy chế biến sản xuất như: công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu rau Doveco Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai..., các doanh nghiệp đã đưa các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Gia Lai đến các thị trường quốc tế điển hình như sản phẩm chuối (LOPANG BANANA) của công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai được bán và phân phối qua 81 đại siêu thị ở Hàn Quốc.
Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, điển hình như Công ty cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao với Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai tại huyện Mang Yang, Gia Lai có công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại với 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: Dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm được xuất khẩu đến khoảng 50 quốc gia tập chung vào các thị trường lớn như Châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật bản, Trung quốc; Nhà máy chế biến cà phê nhân chất lượng cao của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa với công suất 100.000 tấn cà phê/năm, nhà máy được thiết kế, hoạt động theo quy trình công nghệ hàng đầu của châu Âu-Probat của Đức. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn Organic, 4C, RA và nhà máy chế biến cà phê đạt chứng nhận BRC, HACCP, ISO 9001, ISO 22000, HALAL, đã liên kết với 10.000 hộ nông dân thực hiện chương trình sản xuất cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn 4C với diện tích 29.000 ha, các sản phẩm xuất khẩu đi khoảng 60 nước như Nhật Bản, Châu Âu...
|
Nhiều doanh nghiệp theo đuổi sản phẩm bền vững đạt tiêu chuẩn Organic. |
Đề thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với ưu điểm vượt trội được các Doanh nghiệp nông nghiệp lựa chọn để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích cây trồng cạn được doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 11.577,3 ha tập trung chủ yếu vào tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây ăn quả với diện tích 5.548 ha, công nghệ tưới chủ yếu là tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt.
Về chăn nuôi: Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được đưa vào hoạt động chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển bền vững như công tác chọn tạo giống (giống lợn rừng lai, lợn giống Đan Mạch, bò thịt chất lượng cao,…), thức ăn công nghiệp, vacxin phòng bệnh, thuốc thú y chất lượng cao, chuồng lạnh khép kín, tự động hóa chuồng nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ tiên tiến (hệ thống Biogas, đệm lót sinh học,…) và các chương trình quản lý tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP,… Trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở: Công ty CP chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện nay, Việt Nam đã ký 01 Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sào sang thị trường Trung Quốc, sẽ giúp mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm tổ yến sào trên địa bàn tỉnh. Tạo sản phẩm vật nuôi có chất lượng, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, tạo các thương hiệu mạnh như Thadico, Hoàng Anh Gia Lai…
Về thủy sản: Đã chuyển dần từ hình thức quảng canh sang hình thức nuôi đơn tính, nuôi bán thâm canh, thâm canh trong ao, lồng bè, sử dụng Vitamin và khoáng chất, phòng chống dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản. Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 công ty (Công ty TNHH Gia Tường, Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh) đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất tạo ra các dòng sản phẩm là thức ăn bổ sung và sản phẩm xử lý môi trường phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 03 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà phê an toàn thực phẩm; Công ty Cổ phần chè Bầu Cạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè, cà phê, bơ an toàn thực phẩm; Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú ứng dụng công nghệ cao trong Sản xuất rau an toàn thực phẩm.
Gia Lai đã và đang tập trung thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm đầu chuỗi để liên kết sản xuất với kinh tế hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng. Điển hình như Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hưng Sơn (trồng chuối theo tiêu chuẩn GlobalGAP), Công ty Cổ phần Học viện Cà phê Việt Nam VCA (Trồng và chế biến Cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ), Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai (trồng và chế biến rau quả), Công ty Cổ phần Diên Hồng Gia Lai (chăn nuôi bò thịt), Công ty Cổ phần chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên, Công ty Cổ phần quốc tế Thông đỏ (sản xuất cây giống)....
Toàn tỉnh đã thu hút được 295 dự án được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể: Lĩnh vực trồng trọt đã thu hút được 50 dự án với 29 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; Lĩnh vực chăn nuôi hiện có 208 dự án đầu tư với 93 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; Lĩnh vực Lâm nghiệp đã thu hút được 37 dự án trồng rừng với 11 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư./..