Gia Lai: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn

Chủ nhật, 08/12/2024 13:41
(ĐCSVN) - Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới, địa phương cũng định hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, việc xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến,việc thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là những giải pháp quan trọng của địa phương.

Ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Ảnh: HT.  

Trong thời gian qua, để phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn, tỉnh Gia Lai đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như: Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 102/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thi hành Điều 9 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan tuyên truyền đến người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn của Trung ương như: Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản,...

Triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 27/11/2023 về việc Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó đến năm 2025, diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất nông nghiệp; đến năm 2030 diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó tập trung vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh chủ lực như: cà phê, tiêu, chè, điều , mía, lúa, cây ăn quả, sản phẩm mật ong, thịt gia súc, gia cầm, ...

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng định hướng thúc đẩy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Chương trình số 825/CTr-UBND ngày 28/4/2022 Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20 tháng 01 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 với quan điểm: thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững.

Với định hướng trên những năm qua nông sản của tỉnh không những từng bước đáp ứng thị trường trong nước mà đang vươn mình xuất khẩu mạnh mẽ. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai tăng trưởng tốt, cụ thể: Năm 2016 đạt 342,9 triệu USD, năm 2017 đạt 450 triệu USD, năm 2018 đạt 470  triệu USD, 2019 đạt 500 triệu USD, năm 2020 đạt 580 triệu USD, năm 2021 đạt 610 triệu USD, năm 2022 đạt 660 triệu USD, năm 2023 đạt 680 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt 12,21%/ năm. Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, cây ăn quả… đã có mặt tại gần 40 quốc gia. Một số mặt hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) … điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 490 triệu USD. 

Tuy nhiên, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bước đầu định có định hướng tốt, tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể,  Gia Lai có xuất phát điểm kinh tế khu vực nông thôn thấp, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và Nhân dân còn hạn chế; trình độ sản xuất nông nghiệp chưa cao, khả năng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng nên khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong công tác phòng, chống sâu bệnh.

Các địa phương chú trọng phát triển các vùng sản xuất rau an toàn.  

Việc thực hiện liên kết sản xuất chưa tốt, chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp; do tác động của biến đổi khí hậu gây khô hạn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hoạt động nghiên cứu khoa học mặc dù bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên chưa phát huy hết được các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động có nơi còn chưa được đổi mới, chưa đi vào chiều sâu, nội dung hình thức tuyên truyền chưa phong phú, nên chưa thay đổi rõ nét nhận thức của người dân về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch,...

Tập trung một số giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, trong giai đoạn tới, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn gắn với chế biến sâu của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cần tập trung thực hiện một số các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đến người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, định hướng phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ trong thời gian đến. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các sáng kiến và kinh nghiệm hay, có hiệu quả về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh để nhân ra diện rộng.

Thứ hai, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác (thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, giảm bớt các khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ hữu cơ.

Thứ ba, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng mô hình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Đồng thời, thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu và sử dụng các sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ; nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với dịch hại tốt, phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức các cấp làm công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn. Đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ về quy trình sản xuất nông lâm thủy sản hữu cơ.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực