Với lợi thế đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm gần ½ diện tích tự nhiên, ngành lâm nghiệp của tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, như việc cung cấp lâm sản hàng hóa đồng thời có vai trò chức năng bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái giữ đất, giữ nước, chống xói mòn, điều hòa khí hậu cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự cho vùng biên giới quốc gia.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng việc ban hành Chương trình hành động số 899/CTr-UBND ngày 09/5/2022.
Bằng nhiều giải pháp tích cực cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân địa phương đã góp phần phát triển rừng theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng; góp phần vào xóa đói giảm nghèo, đóng góp phúc lợi xã hội.
|
Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. (Ảnh: Lê Nam) |
Hiện, số lao động cho các hoạt động lâm nghiệp tăng lên qua các năm; số lớp tập huấn và số lượng người, số lượng phụ nữ tham gia tập huấn về quản lý rừng, kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả nhất định như: Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 đạt 399 tỷ đồng; năm 2023 đạt 520 tỷ đồng, tăng 30,32% so với thực hiện năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng: 40,95 %. Tỷ lệ che phủ chung (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích): 47,33%. Công tác trồng rừng đã được chính quyền các cấp, chủ rừng, người dân quan tâm hơn, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, nguồn giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo nguồn gốc rõ ràng nên chất lượng rừng, năng suất rừng trồng ngày được nâng cao. Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh trồng được 28.686,66 ha rừng, đạt 71,7% so với chỉ tiêu cả giai đoạn 2021-2025 (40.000 ha). Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.058,86 ha. Dự kiến giao tính đến hết năm 2024 giao 28.449,79 ha rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý.
Quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã vượt qua thời kỳ suy thoái, đang phục hồi và phát triển, ngành lâm nghiệp đã định hướng rõ và đang dần trở thành ngành kinh tế kỹ thuật thu hút được nguồn lực đầu tư, từng bước giải quyết tốt vấn đề sinh kế cho người dân sống gần rừng. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đã có nhiều chuyển biến. Người dân tham gia trong việc quản lý bảo vệ rừng, với mức hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng từ 300.000 đồng/ha/năm đã giúp người dân tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Việc gắn lợi ích của người dân với rừng, hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước, đã tạo thêm động lực để người dân quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. Có thể nói chính sách khoán bảo vệ rừng sẽ góp phần khuyến khích hộ gia đình nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cải thiện sinh kế giảm áp lực lên rừng./..