Gia Lai: Nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng

Chủ nhật, 27/10/2024 01:12
(ĐCSVN) - Bằng nhiều giải pháp tích cực cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân địa phương đã góp phần phát triển rừng theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng; góp phần vào xóa đói giảm nghèo, đóng góp phúc lợi xã hội.

Đó là khẳng định của đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Gia Lai tại hội thảo "Xuất khẩu nông sản Gia Lai- để tiềm năng thành lợi thế" do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào tháng 10/2024 tại tỉnh Gia Lai. 

 Toàn cảnh tọa đàm.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng việc ban hành Chương trình hành động số 899/CTr-UBND ngày 09/5/2022. Các địa phương tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. 

Tuy nhiên,  là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm sút, chưa được khôi phục để đáp ứng yêu cầu phòng hộ, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch lâm nghiệp còn hạn chế; việc theo dõi diễn biến rừng chưa chặt chẽ; tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng, tranh chấp đất đai, vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra tại một số địa phương; năng suất rừng trồng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chủ yếu gỗ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho tiêu dùng và công nghiệp chế biến, xuất khẩu; đời sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành lâm nghiệp và cộng đồng dân cư nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần rừng vẫn còn nhiều khó khăn.

Từ thực trạng và những khó khăn, thách thức nêu trên, Gia Lai đã và đang, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai đến năm 2030, cụ thể: Xác định phải quản lý chặt diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng; phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; chú trọng việc giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình; phát triển rừng gỗ lớn, hấp thụ và lưu trữ Các bon nâng cao hiệu quả trồng rừng, lâm đặc sản, phát triển dược liệu dưới tán rừng đảm bảo có nguồn thu từ việc quản lý, bảo vệ rừng. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 47,75% và đến năm 2030 là trên 49,2%.

Thực hiện tốt giải pháp vùng, liên vùng để quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận, nhất là các khu rừng giáp ranh với các địa phương.

Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; có cơ chế, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng.

Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trọng tâm của ngành như Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Gia Lai Giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 297/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030 tại địa bàn tỉnh Gia Lai; Chiến lược phát triển Lâm nghiệp; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh;…

Điều chỉnh đưa ra khỏi dự án một số diện tích đối tượng không phù hợp để giải phóng nguồn lực, tạo quỹ đất kể cả các diện tích DT1 các chủ rừng nhà nước, UBND các xã được quản lý để kêu gọi đầu tư. Xã hội hóa các nguồn lực, phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương kêu gọi các Doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ liên kết với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để trồng rừng tại vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến. Huy động tối đa nguồn lực của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng.

Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ, lâm sản; liên doanh, liên kết trồng rừng kết hợp trồng xen cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ. Thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai các dự án trồng rừng.

 Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ, lâm sản; liên doanh, liên kết trồng rừng kết hợp trồng xen cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ. (Ảnh: Minh Phương)

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp, về chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả kinh tế khi sử dụng giống chất lượng tốt, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý diện tích đất lâm nghiệp người dân đang sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.

Tăng cường quản lý địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, chốt chặn các điểm nóng thường xảy ra hành vi vi phạm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm ngay tại gốc, nhất là tại các vùng giáp ranh, khu vực biên giới, địa bàn còn nhiều tài nguyên, nhiều loại gỗ quý. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Tỉnh tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Tiểu dự án 1, Dự án 3 nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp; tạo thêm động lực để người dân quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần khuyến khích hộ gia đình nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cải thiện sinh kế giảm áp lực lên rừng...

Thực hiện kết hợp lồng ghép các chương trình đầu tư công của Nhà nước như: Kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác,… Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực của công chức, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng./..

Dương Công Xa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực