Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, chè,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 31 cụm công nghiệp, trong đó có 14 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập với tổng diện tích 542 ha; 03 Khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có diện tích 210,1 ha; Khu công nghiệp Trà Đa đã được lấp đầy với diện tích hơn 210,17 ha; Khu công nghiệp Nam Pleiku với diện tích 191,55 ha.
|
Với đa dạng các sản phẩm nông sản, Gia Lai ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến theo hướng xanh, hiện đại. (Ảnh: Vũ Thảo) |
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 03 dự án lĩnh vực chế biến nông sản được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 244,6 tỷ đồng và 21 danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực chế biến.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh như Nghị quyết số 05 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh; Nghị quyết số 07 về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; Nghị quyết số 97 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…Trong đó, mục tiêu công nghiệp chế biến trong Nghị quyết số 07 là: Phấn đấu thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án về lĩnh vực: Logitics, chế biến đường, thức ăn chăn nuôi, súc sản, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, phân bón, chế biến gỗ, than hoạt tính, chế biến dược liệu với tổng vốn đầu tư khoảng trên 8.700 tỷ đồng.
Về quy trình đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 2678/SKHĐT-DN ngày 19/9/2024 về việc công bố Bộ Tài liệu quy trình triển khai thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cụ thể: Nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh sẽ biết được tổng thời gian (kể từ khi đăng ký đầu tư đến khi đưa dự án đi vào hoạt động là bao nhiêu ngày); khâu nào do đơn vị nào chủ trì và các đơn vị phối hợp; thời gian giải quyết tối đa của từng khâu. Trong từng khâu thì có các quy trình con cũng chi tiết như vậy.
Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để hàng tuần họp giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án trong thủ tục hành chính; thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp theo hình thức online và trực tiếp; đẩy mạnh cải cách toàn diện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khi đăng ký đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động.
Tuy nhiên theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, hiện nay các cụm công nghiệp đều chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải tập trung nên gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp chế biến. Một số cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh (vị trí địa lý chưa thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật cụm chưa được đầu tư đồng bộ; số dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp còn rất hạn chế; đối với các cụm công nghiệp kêu gọi đầu tư thì việc đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm…).
Thời gian tới, tỉnh Gia Lai xác định, đa dạng hoá hình thức thu hút đầu tư; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến theo hướng xanh, tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường. Đưa tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông - lâm sản của khu vực Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Ứng dụng khoa học, công nghệ vào chế biến nông - lâm sản để tạo ra các sản phẩm nằm ở chuỗi giá trị cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
|
Tỉnh Gia Lai xác định, đa dạng hoá hình thức thu hút đầu tư; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiênphát triển các ngành công nghiệp chế biến theo hướng xanh, tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường. (Ảnh: Vũ Thảo). |
Tỉnh hướng đến hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ số, nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ.
Song với đó, Gia Lai thực hiện đẩy mạnh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp. Hướng dẫn các địa phương có nhu cầu thành lập, mở rộng cụm công nghiệp công tác lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát bố trí kinh phí để đầu tư hoàn thiện các hệ thống xử lý chất thải tập trung trong các Cụm công nghiệp nhằm kêu gọi đầu tư đối với với các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển thị trường, giao lưu với các vùng kinh tế lân cận, tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi để mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm; tiếp tục nâng cao giá trị và đưa những sản phẩm chủ lực của tỉnh vào các thị trường lớn để xuất khẩu như cao su, tinh bột mì, chế biến hạt điều, chè ...Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại, xây dựng thương hiệu, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng./.