|
Cà phê là cây trồng của tỉnh Gia Lai đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. |
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh. Trong đó, có 59.654,17 ha cà phê, chè, tiêu, rau quả được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, 4C, UTZ. Có 11 trang trại, hộ chăn nuôi chăn nuôi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, 01 cơ sở chăn nuôi bò được chứng nhận GlobalGAP, 03 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu với tổng công suất 1.550 - 1.700 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ....
Đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Gia Lai đã có 6 đơn vị (03 doanh nghiệp và 03 hợp tác xã) được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN, Mỹ (USDA), Hàn Quốc, Nhật Bản (JAS), Châu Âu (EU) cho 151,7 ha cây trồng (bao gồm cà phê, tiêu, trái cây và cà gai leo).
Việc thực hiện chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa nhiều, tuy nhiên các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ của tỉnh đã được người tiêu dùng đón nhận, ủng hộ và đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số hộ nông dân đang tham gia thực hiện chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho cây cà phê, hồ tiêu, trái cây.
Toàn tỉnh hiện có 693 nhãn hiệu hàng hóa thông thường đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ, có 9 nhãn hiệu chứng nhận (Gạo Phú Thiện, Gạo Ia Lâu - Chư Prông, Rau An Khê, Rau Đak Pơ, Bò Krông Pa, Thuốc lá lá Krông Pa, Chôm chôm Ia Grai, Chanh dây Gia Lai, Mật ong hoa cà phê Gia Lai), 3 chỉ dẫn địa lý (Chư Sê cho sản phẩm hồ tiêu, Gia Lai cho sản phẩm cà phê, Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang). Ngoài ra có 5 nhãn hiệu đã đăng ký và chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (Khoai lang Lệ Cần Đak Đoa, Sầu riêng Đức Cơ, Yến sào Đức Cơ, Heo Broong Đức Cơ, Mắc Ca Kbang).
Để phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn, tỉnh Gia Lai đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan tuyên truyền đến người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn của Trung ương...
|
Tại tòa đàm khoa học "Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế" các đại biểu đã chia sẻ nhiều nội dung về giải pháp để nông sản Gia Lai có thể xuất khẩu mạnh mẽ hơn. |
Triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 27/11/2023 về việc Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó đến năm 2025, diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất nông nghiệp; đến năm 2030 diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó tập trung vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh chủ lực như: cà phê, tiêu, chè, điều , mía, lúa, cây ăn quả, sản phẩm mật ong, thịt gia súc, gia cầm...
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng định hướng thúc đẩy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Chương trình số 825/CTr-UBND ngày 28/4/2022 Chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20 tháng 01 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 với quan điểm: thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững.
Với định hướng trên những năm qua nông sản của tỉnh không những từng bước đáp ứng thị trường trong nước mà đang vươn mình xuất khẩu mạnh mẽ. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai tăng trưởng tốt, cụ thể: Năm 2016 đạt 342,9 triệu USD, năm 2017 đạt 450 triệu USD, năm 2018 đạt 470 triệu USD, 2019 đạt 500 triệu USD, năm 2020 đạt 580 triệu USD, năm 2021 đạt 610 triệu USD, năm 2022 đạt 660 triệu USD, năm 2023 đạt 680 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt 12,21%/ năm. Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, cây ăn quả… đã có mặt tại gần 40 quốc gia. Một số mặt hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) … điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 490 triệu USD./..