Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tuyến Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Tế Thông Đỏ cho biết: Trên thị trường thế giới, chanh dây được trồng và tiêu thụ rộng rãi, đặc biệt tại các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhu cầu tiêu thụ chanh dây đang tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường như Bắc Mỹ và châu Âu. Những nước sản xuất lớn như Brazil, Colombia, và Ecuador đã thiết lập được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới nhờ vào khả năng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ cho các quốc gia sản xuất chanh dây khác, trong đó có Việt Nam.
|
Trung tâm Giống cây trồng CLC đặt tại tỉnh Gia Lai, với cơ sở vật chất hiện đại, quy trình sản xuất khép kín, đã tạo ra cho thị trường những cây giống chất lượng. |
Tại Việt Nam, cây chanh dây được trồng chủ yếu ở các vùng có khí hậu mát mẻ, đặc biệt là Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tây Nguyên, với điều kiện tự nhiên thuận lợi như đất đỏ bazan phì nhiêu, khí hậu mát mẻ và lượng mưa dồi dào, được xem là khu vực lý tưởng để phát triển cây chanh dây. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng hiện đang dẫn đầu về diện tích trồng và sản lượng chanh dây của cả nước. Khả năng thích ứng cao của cây chanh dây với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài điều kiện tự nhiên, Tây Nguyên còn có lực lượng lao động nông nghiệp giàu kinh nghiệm, sẵn sàng áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến. Chính phủ và các doanh nghiệp cũng đã đầu tư mạnh vào hạ tầng nông nghiệp, bao gồm hệ thống tưới tiêu hiện đại và các chương trình nghiên cứu phát triển giống cây trồng. Điều này đã giúp Tây Nguyên không chỉ trở thành vùng trọng điểm trồng chanh dây trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Về xuất khẩu, chanh dây Việt Nam đã xâm nhập được nhiều thị trường quốc tế, trong đó Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Gần đây, chanh dây Việt Nam cũng đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Úc, mở rộng thêm cơ hội tiêu thụ tại khu vực này. Ngoài ra, chanh dây Việt Nam còn được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, với nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm trái cây nhiệt đới giàu dinh dưỡng. Theo số liệu gần đây, hàng nghìn tấn chanh dây đã được xuất khẩu, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành chanh dây tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, vấn đề sâu bệnh và dịch hại đang là mối đe dọa lớn đối với năng suất và chất lượng sản phẩm. Sự bùng phát của các loại bệnh như nấm, vi khuẩn, virus và côn trùng đã gây ra không ít thiệt hại cho nông dân, đặc biệt khi các biện pháp phòng trừ sâu bệnh chưa được áp dụng đồng bộ và hiệu quả.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác là việc xuất hiện các cơ sở tự phát sản xuất cây giống chanh dây không đạt chất lượng. Các cơ sở này không tuân thủ các quy định về kiểm định và sàng lọc giống cây trồng, dẫn đến việc cung cấp những giống cây bị nhiễm bệnh, không đảm bảo về năng suất. Các giống cây từ các vườn tự ghép không được kiểm tra kỹ lưỡng về mầm bệnh như: nấm khuẩn, virus hay côn trùng. Cây mẹ sử dụng trong quá trình nhân giống thường không đạt tiêu chuẩn, không có nguồn gốc từ vườn đầu dòng theo quy định. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân, mà còn làm suy giảm uy tín của ngành chanh dây Việt Nam trên thị trường quốc tế.
|
Để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu, việc canh tác chanh dây cần phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, với khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao. |
Công ty Thông Đỏ đã có hơn 11 năm chuyên phân phối và sản xuất giống chanh dây. Cách đây hơn 3 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong nước chủ động nguồn giống sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn cung giống từ nước ngoài. Dựa vào chủ trương này, công ty đã quyết định xin chủ trương và đã được phê duyệt đầu tư xây dựng Trung tâm Giống cây trồng CLC đặt tại tỉnh Gia Lai, với cơ sở vật chất hiện đại, quy trình sản xuất khép kín, đã tạo ra cho thị trường những cây giống chất lượng.
Khi sản xuất cây giống tại Việt Nam, công ty nhận thấy có 3 lợi ích: Giảm giá thành cây giống; Cây giống thích nghi điều kiện thổ nhưỡng khí hậu Việt Nam; Và giảm thời gian vận chuyển đến tay nông hộ
Về nguồn gen, Thông Đỏ đã hợp tác chuyển giao công nghệ với các Chuyên gia Đài Loan và nhập trực tiếp cây mẹ từ Đài Loan về để nhân giống cây đầu dòng, nên đảm bảo được đặc tính vượt trội của giống chanh dây Thông Đỏ đã được sở NN&PTNT Gia Lai cấp chứng nhận Vườn đầu dòng. Hiện nay, Công ty đang cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm chanh tím với thương hiệu RP8, và RP9.
Song song đó, Thông Đỏ vẫn tiếp tục cùng với giáo sư bên Đài Loan khảo nghiệm trong việc lai tạo nguồn gen giống mới để phục vụ bà con nông dân.
Trung tâm giống cây trồng Thông Đỏ không chỉ tập trung vào việc lai tạo các giống chanh dây mới mà còn cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân trong quá trình canh tác. Các giống cây trồng từ Thông Đỏ đều được kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo không mang mầm bệnh và đạt chuẩn về năng suất và chất lượng. Đây là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chanh dây Việt Nam, giúp ngành này phát triển bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông Tuyến, các sở, ngành và địa phương cần điều kiện hơn nữa, phổ cập thông tin, kiến thức nâng cao nhận thức của người dân về việc canh tác bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra. Làm sao để Tư duy của nông dân luôn là phải tạo ra và bán sản phẩm mà thị trường cần./..