5 địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên không chỉ được biết đến là một vùng đất với những cánh rừng già và những vùng cao nguyên đầy nắng và gió, mà với lợi thế tự nhiên, nơi đây còn là một vùng sản xuất nhiều sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực Tây Nguyên trong những năm vừa qua chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với trị giá khoảng 4 tỷ USD.
|
Đồng chí Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu- Bộ Công thương cho rằng, trong quá trình triển khai xuất khẩu các mặt hàng nông sản, địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa đảm bảo đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu. |
Trong 8 tháng đầu năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 22,3% và chiếm 1,13% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Gia Lai đứng thứ 2 và là địa phương có kết quả xuất khẩu đạt tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 cao nhất trong khu vực với gần 870,2 triệu USD, tăng 62%.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của vùng chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm nông sản chủ lực như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả (như: sầu riêng, chuối, chanh dây); ngoài ra, còn có các loại cây dược liệu, tài nguyên khai thác khác. Sản phẩm nông sản của khu vực đã tiếp cận đến các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam (như: Trung Quốc, Hoa Kỳ…) và đang dần gia tăng thị phần tại nhiều thị trường tiềm năng (như: EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để kết quả sản xuất, xuất khẩu của Tây Nguyên được mở rộng và tăng trưởng đúng với vị thế của vùng, chúng ta cần nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Về các yếu tố khách quan, đồng chí Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu- Bộ Công thương cho rằng đó là tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cung - cầu của hàng hóa. Việc tuân thủ các quy định về vận chuyển, an toàn và môi trường, cũng như các hàng rào kỹ thuật ngày càng được chú trọng bởi các quốc gia nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào quản lý rủi ro và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Cạnh tranh từ các quốc gia láng giềng, các quốc gia có sản lượng nông sản lớn trên thế giới đang ngày càng trở nên khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cùng với việc tìm kiếm các phân khúc thị trường mới.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Anh Sơn cũng chỉ ra một só các yếu tố chủ quan như: Quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế, sản phẩm xuất khẩu dạng thô còn chiếm tỷ trọng lớn, chưa cho giá trị gia tăng cao. Một số sản phẩm như cà phê, cao su, rau quả… tuy đã có vị thế tốt nhưng chưa đa dạng thị trường xuất khẩu, còn tập vào một số thị trường truyền thống, tiềm ẩn rủi ro khi có biến động về nhu cầu hoặc giá cả. Bên cạnh đó, hoạt động chế biến sâu, phát triển thương hiệu nông sản còn nhiều thách thức ở việc thu hút nhân lực chất lượng cao, kiện toàn hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất logictics, củng cố liên kết trong chuỗi cung ứng nội vùng.
|
Chế biến chanh dây tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai. |
Trước những khó khăn, thách thức và cả cơ hội, tiềm năng to lớn trong phát triển nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên, có thể thấy rằng: để tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường cho nông sản Tây Nguyên, cần xác định yếu tố tiên quyết chính là phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả để thúc đẩy xuất khẩu bền vững và đa dạng hóa thị trường. Như vậy, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, thì các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng và Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cũng cần thực hiện quyết liệt một số giải pháp.
Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu- Bộ Công thương chỉ ra, thứ nhất, cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông; triển khai nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển sản xuất xuất khẩu bền vững. Cùng với đó, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư.
Thứ hai, củng cố và gia tăng liên kết vùng không chỉ trong hoạt động lưu thông hàng hóa, mà còn trong chia sẻ kinh nghiệm (như: kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị thường, tìm kiếm đối tác, tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá...) do các địa phương có sự tương đồng trong cấu trúc sản phẩm xuất khẩu. Từ đó, khắc phục các hạn chế và phát huy được thế mạnh của từng địa phương trong kiện toàn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối giao thương với các thị trường phù hợp.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu để tận dụng ưu đãi sẵn có trong các FTA, hay kịp thời cập nhật các chính sách, yêu cầu đối với sản phẩm cũng như những thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; từ đó hỗ trợ các hộ sản xuất và doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án kinh doanh, đảm bảo hiệu quả và uy tín trên thị trường quốc tế.
Các địa phương có thể tận dụng các kênh thông tin chính thống như: Hội nghị giao ban định kỳ giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kết nối cung cầu, tìm kiếm các đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng; cổng thông tin điện tử về FTA của Việt Nam – FTAP...
Thứ tư, xây dựng định hướng, kế hoạch với các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu nông sản với các mục tiêu rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn, từng khu vực thị trường, từng sản phẩm và từng đối tượng tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu dựa trên các chủ trương, định hướng của Chính phủ và những đánh giá, cập nhật dựa trên bối cảnh của thị trường hàng hóa toàn cầu.
Thứ năm, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số; triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, chủ lực của địa phương với các thị trường tiềm năng (như: cà phê - Hàn Quốc, EU, ASEAN; rau quả - Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...) tới trực tiếp các hệ thống phân phối sản phẩm trực tiếp và trực tuyến tại thị trường nhập khẩu.
Thứ sáu, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa đảm bảo đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhãn hiệu, gian lận nguồn gốc, xuất xứ, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng nói riêng và của Việt Nam nói chung./..