Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh Gia Lai đảm bảo lâm nghiệp phát triển bền vững

Chủ nhật, 08/12/2024 13:40
(ĐCSVN) - Với lợi thế đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm gần ½ diện tích tự nhiên, ngành lâm nghiệp của Gia Lai có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, địa phương sẽ có nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng; phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng.

Nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Việc giao khoán rừng cho người dân quản lý bảo vệ góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Ảnh: Quang Tấn 

Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có 90 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Tổng diện tích tự nhiên là 1.551.013 ha (trong đó đất có rừng 649.996,84 ha chiếm 41,9%). Là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên, chiếm 25,2% diện tích toàn vùng và chiếm 4,3% diện tích cả nước. Trên địa bàn tỉnh có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, có nhiều loại cây quý hiếm với hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, có nhiều loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ và mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại cao nguyên Kon Hà Nừng-nơi được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Với lợi thế đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm gần ½ diện tích tự nhiên, ngành lâm nghiệp của tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, như việc cung cấp lâm sản hàng hóa đồng thời có vai trò chức năng bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái giữ đất, giữ nước, chống xói mòn, điều hòa khí hậu cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự cho vùng biên giới quốc gia.

Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng việc ban hành Chương trình hành động số 899/CTr-UBND ngày 09/5/2022. Bằng nhiều giải pháp tích cực cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân địa phương đã góp phần phát triển rừng theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng; góp phần vào xóa đói giảm nghèo, đóng góp phúc lợi xã hội. Số lao động cho các hoạt động lâm nghiệp tăng lên qua các năm; số lớp tập huấn và số lượng người, số lượng phụ nữ tham gia tập huấn về quản lý rừng, kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả nhất định như: Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 đạt 399 tỷ đồng; năm 2023 đạt 520 tỷ đồng, tăng 30,32% so với thực hiện năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng: 40,95 %. Tỷ lệ che phủ chung (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích): 47,33%. Công tác trồng rừng đã được chính quyền các cấp, chủ rừng, người dân quan tâm hơn, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, nguồn giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo nguồn gốc rõ ràng nên chất lượng rừng, năng suất rừng trồng ngày được nâng cao. Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh trồng được 28.686,66 ha rừng, đạt 71,7% so với chỉ tiêu cả giai đoạn 2021-2025 (40.000 ha). Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.058,86 ha. Dự kiến giao tính đến hết năm 2024 giao 28.449,79 ha rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý.

Theo Chi cục Kiểm Lâm Gia Lai, việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã vượt qua thời kỳ suy thoái, đang phục hồi và phát triển, ngành lâm nghiệp đã định hướng rõ và đang dần trở thành ngành kinh tế kỹ thuật thu hút được nguồn lực đầu tư, từng bước giải quyết tốt vấn đề sinh kế cho người dân sống gần rừng. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đã có nhiều chuyển biến. Người dân tham gia trong việc quản lý bảo vệ rừng, với mức hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng từ 300.000 đồng/ha/năm đã giúp người dân tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp. Việc gắn lợi ích của người dân với rừng, hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước, đã tạo thêm động lực để người dân quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. Có thể nói chính sách khoán bảo vệ rừng sẽ góp phần khuyến khích hộ gia đình nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cải thiện sinh kế giảm áp lực lên rừng.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, ngành lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai còn một số tồn tại, thành quả chưa được như mong muốn. Là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm sút, chưa được khôi phục để đáp ứng yêu cầu phòng hộ, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch lâm nghiệp còn hạn chế; việc theo dõi diễn biến rừng chưa chặt chẽ; tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng, tranh chấp đất đai, vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra tại một số địa phương; năng suất rừng trồng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chủ yếu gỗ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho tiêu dùng và công nghiệp chế biến, xuất khẩu; đời sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành lâm nghiệp và cộng đồng dân cư nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần rừng vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều biện pháp cơ cấu lại ngành lâm nghiệp trên địa bàn

Có cơ chế, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng. 

Từ thực trạng và những khó khăn, thách thức nêu trên, Gia Lai đã và đang, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai đến năm 2030. Trong đó, xác định phải quản lý chặt diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng; phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; chú trọng việc giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình; phát triển rừng gỗ lớn, hấp thụ và lưu trữ Các bon nâng cao hiệu quả trồng rừng, lâm đặc sản, phát triển dược liệu dưới tán rừng đảm bảo có nguồn thu từ việc quản lý, bảo vệ rừng. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 47,75% và đến năm 2030 là trên 49,2%.

Thực hiện tốt giải pháp vùng, liên vùng để quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận, nhất là các khu rừng giáp ranh với các địa phương.

Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; có cơ chế, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng.

Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trọng tâm của ngành như Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Gia Lai Giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 297/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030 tại địa bàn tỉnh Gia Lai; Chiến lược phát triển Lâm nghiệp; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh;…

Xã hội hóa các nguồn lực, phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương kêu gọi các Doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ liên kết với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để trồng rừng tại vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến. Huy động tối đa nguồn lực của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng.

 Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp, về chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả kinh tế khi sử dụng giống chất lượng tốt, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý diện tích đất lâm nghiệp người dân đang sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.

Duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng; khoanh vùng trọng điểm cháy; kiểm tra, phát hiện, xử lý thông tin kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra. Tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng.

Tăng cường quản lý địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, chốt chặn các điểm nóng thường xảy ra hành vi vi phạm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm ngay tại gốc, nhất là tại các vùng giáp ranh, khu vực biên giới, địa bàn còn nhiều tài nguyên, nhiều loại gỗ quý. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Tiểu dự án 1, Dự án 3 nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp; tạo thêm động lực để người dân quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần khuyến khích hộ gia đình nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cải thiện sinh kế giảm áp lực lên rừng.

 Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực của công chức, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực