|
Cà phê chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai. |
Gia Lai là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Trong đó, có nhiều nông sản là đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, cao su, chanh dây, bơ, sầu riêng, chuối, sa nhân tím, đinh lăng, đương quy, hà thủ ô đỏ...
Hiện nay, trong các ngành hàng xuất khẩu, cà phê chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, sản lượng hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là nhân xanh, tỷ lệ cà phê qua chế biến chỉ khoảng 16%. Ngoài cà phê, cây ăn quả đang là điểm sáng với các mặt hàng nước chanh dây đông lạnh.
Cùng với đó là một số loại trái cây tươi như: sầu riêng, chuối… cũng đã đủ các tiêu chuẩn để đi theo con đường xuất khẩu chính ngạch. Đặc biệt, việc sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn để ngành hàng sầu riêng gia tăng giá trị.
Gia Lai có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản. Có một vài doanh nghiệp lớn trong ngành như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cà phê Hoa Trang, Sơn Huyền Phát, cà phê nông sản Tây Nguyên…
Còn lại phần lớn doanh nghiệp khác có quy mô nhỏ, việc đầu tư máy móc sơ chế, chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.
|
Liên kết từ khâu chọn giống cho đến thành phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh sẽ giúp nông sản Gia Lai xuất khẩu đi nhiều thị trường hơn. |
Hiện nay, thị trường châu Âu chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai, tiêu thụ phần lớn mặt hàng cà phê nhân xô, sản phẩm gỗ... Thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiêu thụ chủ yếu cao su, mì lát, cà phê, sản phẩm gỗ.
Theo đánh giá của tỉnh Gia Lai, hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tại toạ đàm Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào tháng 10/2024, đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho rằng: hiện công tác xúc tiến thương mại của tỉnh thiếu sự đồng bộ, sự phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, rời rạc chưa đạt hiệu quả cao. Mỗi tổ chức xúc tiến thương mại tiến hành một chương trình xúc tiến thương mại của riêng mình mà không có kế hoạch phối hợp, gắn kết các tổ chức khác trong tỉnh để thực hiện một chương trình xúc tiến thương mại hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn.
Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia công tác xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh đều là những đơn vị nhỏ và “siêu nhỏ”. Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm đặc biệt khi xuất hàng hóa ra nước ngoài... Sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các nhà phân phối còn thiếu tính chủ động, chưa thường xuyên.
Các hội chợ, triển lãm chưa thực sự thu hút được đông đảo khách hàng và người dân đến tham quan và mua sắm. Nguyên nhân phần lớn là lo ngại về chất lượng của những mặt hàng giảm giá tại các Hội chợ, triển lãm; nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng;.. Công tác xúc tiến thương mại nước ngoài hạn chế về kinh phí, về khả năng tổ chức của các đơn vị chức năng. Phần lớn phụ thuộc vào các chương trình của bộ, ngành, cụ thể Bộ Công Thương.
Để có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản tỉnh Gia Lai hơn nữa, lãnh đạo Sở Công thương Gia Lai cho rằng một trong những giải pháp cần thực hiện là đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, đối tượng hỗ trợ. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại trong các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, ẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xúc tiến thương mại thông qua việc triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ thông tin áp dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai…/..